Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Chợ quê

Đọc “Chợ quê” làm nhớ lại hình ảnh má tôi đi chợ sớm, để bán mướp và đậu bắp ở cái chợ nằm cạnh kinh Chợ Gạo, đến khoảng mặt trời mọc lên khoảng chừng cây sào là về tới nhà. Hai đầu thúng của cái gánh khi về chứa đủ thứ, nào là khô, mắm… và tất nhiên là không thiếu những món bánh cho đám con ở nhà.

Lúc đó, ở chợ quê có nhiều loại bánh làm từ bột gạo, nếp, đậu xanh… đều do bà con xay bột, chế biến chứ không có bột làm sẵn như bay giờ. Những cái bánh bèo nho nhỏ có nhân đậu xanh ăn với nước dừa, miếng bánh da lợn với ba lớp màu (xanh, đỏ, tím) dai dai, béo béo, đòn bánh tét nếp với nhân chuối ngọt lịm… là những món quà xem như vô giá đối với tụi con nít chúng tôi lúc bấy giờ!

Sau này, nghề nghiệp đưa tôi đến nhiều vùng miền, thưởng thức nhiều sơn hào, hải vị, nhưng với tôi, mãi mãi các món ngon trên thế gian này vẫn thiếu một vị của ngày xưa, đó là vị mặn mồ hôi của má tôi! (Minh Tâm)

===============================

Những phiên chợ quê có từ rất lâu, nó như một nét đẹp văn hóa cho từng vùng miền Việt Nam.

Sự nhộn nhịp, ồn ào tất tả của những người chạy chợ, họ không ngại trời gió mưa thức khuya dậy sáng tảo tần, cần mẩn như những con ong chăm chỉ.

Hai giờ sáng.

Phiên chợ nhóm ở một nơi sân đình hay một bãi đất trống, hoặc bến sông. Bắt đầu một ngày mới bằng việc mở cửa các sạp hàng, hay trải những tấm nhựa san sát nhau để bày hàng. Tiếng cười nói, tiếng động cơ chở gia súc nghe thật náo nhiệt.

Những chú heo con gào to eng ét, tiếng gà vịt nghe thật vui tai, những người bán hàng ăn cũng bắt đầu nhóm bếp bày hàng các chiếc nồi to cũng bắt đầu sôi. Mùi nước lèo tỏa ra hấp dẫn những cái bụng đang đói meo vì thức khuya.

Những gian hàng bán xoong nồi chén bát được các cậu thanh niên bày biện trong thật thích mắt. Gian quần áo may sẳn vải vóc được mọi người sắp xếp theo từng mẫu giống nhau. Họ tất bật như con ong chăm chỉ.

Ở gian bán thịt cá người ta người cho các loại cá đồng còn sống vào trông chậu nước. Tiếng quẫy đạp và nước văng tung tóe lên người bán bàng. Họ vẫn xem như không và cần mẫn làm những công việc hàng ngày của họ.

Quầy thịt, sạp rau cải củ quả được trưng bài trong thật tươm tất và tươi ngon tiếng cười nói chào mời, trả giá.

Trời hửng sáng. Chợ đã đông đúc ở một bến sông trên miền quê.

Và từng vùng các chợ nhóm có một nét đặt trưng khác nhau. Người nội trợ đến chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn giao tiếp với xung quanh. Những câu chuyện được truyền tai nhau, từ chuyện ông A. ngoại tình bị vợ bắt gặp, đến nhà chị B. tối qua bị mất trộm, chuyện con cái lên Sài Gòn học v.v…

Có nơi nhóm chợ từ lúc hai giờ khuya và tan chợ lúc sáu giờ sáng. Nơi thì từ bốn giờ sáng cho đến 7-8 giờ sáng v.v… và khác biệt nhau ở chở là có chợ chuyên bán về thịt Dê, hay có chợ chuyên về thịt Ngựa.

Có những mặt hàng được bày bán từ sáng sớm,và có những món hàng đến tận trưa mới dọn ra bởi cách nghĩ tinh tế của người bán.

Anh Quân, một người chuyên bán nữ trang xi mạ cho biết:

- Bán những mặt hàng đôi lúc mình phải nói là làm từ đồng hoặc bạc có chất gì đó để trị bịnh cho người cao huyết áp, hay đeo chiếc vòng tay này hạ đường chẳng hạn. Còn những bộ vòng xi-men hay bông tai, nhẫn, kiềng là phải bày bán lúc tận trưa vì những món đồ này mình bán cho bạn hàng và một ít khách hàng mà họ biết.

Cái tế nhị là không ai muốn người khác biết mình mua vàng giả đeo, nên mặt hàng này phải bán khi tan chợ, bạn hàng trong chợ họ mua nhiều lắm. Một số mua đeo để dễ mượn tiền, tạo uy thế cho công việc làm ăn…

Nói chung bán một mặt hàng nào đó cũng phải có chút kỹ xảo, dù mình không lường gạt người khác, nhưng đó là tâm lý chung cho những ai đã có lần mua “Vàng sề” (tức vàng đựng trong cái tràng –sề-tiếng địa phương).

Nhìn những chiếc lắc vàng, dây chuyền bông tay được gia công một cách khéo léo, sang trọng được bày biện không ai có thể quay đi bởi vẻ đẹp của nó, và khó có ai có thể nhận biết thật, giả bởi vẻ tinh xảo chạm khắc của nó qua bàn tay của những người thợ.

Những phiên chợ mang đậm chất bình dị thôn dã, những chiếc bánh giá nóng hổi vừa chiên được ăn ngay với rau sống, với bún và nước mắm tỏi ớt, hay những tô hủ tiếu mực bốc mùi thơm lừng. Gian bán bánh tằm nước cốt dừa, xôi vò cơm rượu, cùng những ly chè đậu đen nóng trong chén xoong bóng láng hấp dẫn những người hay ăn vặt.

Giỏ cua được dăm con, cá rô đồng được một rổ, mẹt rau của bà già ăn trầu móm mém, hay buồng chuối xanh được những người thôn quê mang ra chợ bán, hay những thúng rau từ vườn nhà vài con gà đất, vịt xiêm người bán và người mua đều, thân thiện.

Chợ quê dung dị như chính người miền đất sinh ra nó bao đời… Dù ngày nay tiếp thị vào tận ngách bán từng chai dầu gội hay bịch tăm xỉa răng thì chợ quê vẫn tồn tại…

Kiều Phạm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét