Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

"Chúng ta phải ơn Đảng, ơn Nhà nước"



Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM – Lê Quang Trang tỏ ra nao núng trước góp ý của hội viên trước Đại hội mà phát pháo đầu tiên là những lời chân thành và sâu sát của nhà thơ Lê Tú Lệ, nên lấy tư cách thay mặt ban thường vụ, để giở giọng bề trên:

“Nhân phê phán Hội Nhà văn thành phố, chị Lê Tú Lệ nêu việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, yêu cầu mọi người phải biểu thị thái độ và lòng yêu nước theo cách “biểu dương lực lượng” chị nêu ra. Chị bảo Hội Nhà văn không làm như thế là “thụ động yêu nước”, không thể “thể tất”!

Quả thật, đó là một suy nhận định nông nổi, chưa hiểu thấu công việc đối ngoại “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, cần sự kiên quyết và tinh tế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi khẳng định Hội Nhà văn hoàn toàn không “bình chân như vại” như chị nhận xét…”.

SGB xin giới thiệu toàn văn “thư khiển trách” báo Văn nghệ TP.HCM.

Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 352 ra ngày 7.5.2015, có đăng bài viết “Hội Nhà văn thành phố cần lắm những tấm lòng” của tác giả Lê Tú Lệ (Hội viên Hội Nhà văn thành phố). Nghĩ rằng “trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng”, như lời mở đầu chuyên mục, Ban Thường vụ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh hoan nghênh và cảm ơn những góp ý của hội viên, với mong muốn có thêm nhiều điều bổ ích cho việc phát triển Hội.

Tuy nhiên, sau khi đọc bài báo, chúng tôi thấy có một số nhận định thiếu khách quan, không thoả đáng, vì vậy xin trao đổi lại vài điều:

1. Nhân phê phán Hội Nhà văn thành phố, chị Lệ nêu việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, yêu cầu mọi người phải biểu thị thái độ và lòng yêu nước theo cách “biểu dương lực lượng” chị nêu ra. Chị bảo Hội Nhà văn không làm như thế là “thụ động yêu nước”, không thể “thể tất”!

Quả thật, đó là một suy nhận định nông nổi, chưa hiểu thấu công việc đối ngoại “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, cần sự kiên quyết và tinh tế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi khẳng định Hội Nhà văn hoàn toàn không “bình chân như vại” như chị nhận xét mà có nhiều hoạt động tích cực trong sự kiện này, như cử hội viên tham gia các đoàn đi Trường Sa để viết về biển đảo, tổ chức để hội viên viết bài kiên quyết phê phán hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc, trích tiền lương đóng góp vào quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, đồng thời cũng phê phán những hành động cực đoan sai trái mượn cớ “biểu tình yêu nước” để phá hoại tình hữu nghị và chính sách đối ngoại, đầu tư, mà chúng ta đã phải chấn chỉnh, như thực tiễn đã xảy ra trên địa bàn thành phố và một vài tỉnh lân cận.

Chúng tôi cho rằng đây không chỉ là nhận định, quy kết không chính xác, thiếu tôn trọng tổ chức, mà còn là sự xúc phạm tới những hội viên khác không hành động như kiểu chị muốn áp đặt!

2. Về công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP. Hồ Chí Minh” chị nhận xét rằng “Hội Nhà văn thành phố” chỉ là đơn vị “thêm vào cho phù hợp” (!).

Sự thật là, ngay sau khi xuất hiện ý tưởng, từ bước sơ khởi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Chủ tịch Hội Nhà văn đã bàn bạc nhiều lần về nội dung, cấu trúc công trình, tiêu chí tuyển chọn, dự thảo Đề cương, căn cứ theo sở trường của từng đơn vị để phân công nhiệm vụ, rồi mới thống nhất làm tờ trình lãnh đạo thành phố, đại diện lúc đó là đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo ký giao kết.

Điều này không chỉ Hội Nhà văn mà Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học là Giáo sư Mai Quốc Liên đều biết rất rõ. Cũng cần nói thêm Hội Nhà văn thành phố làm việc này vì tình yêu lớn với thành phố, những suy nghĩ sâu sắc tri ân các thế hệ hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng đời sống tinh thần cho công chúng thành phố, nhân 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chứ hoàn toàn không đơn giản là để “phù hợp về thủ tục” như chị nông cạn nhận định.

Lê Tú Lệ lúc đó ở Phòng văn hoá văn nghệ của Ban Tuyên giáo, là “cầu nối” giữa bên A và bên B, tưởng chị biết khá rành, thế mà không biết vì mục đích gì lại xiên xẹo đi như vậy?

3. Qua lập luận, chị còn cổ vũ cho những nhóm văn chương gọi là “ngoài luồng” và dẫn chứng “riêng trong nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ trước đã có 02 người tự lập ra nhóm văn chương của mình”.

Đây không phải là lúc bàn đến những nhóm văn học khác, nhưng với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp thì nhiệm vụ trước hết của Hội nhà văn phải là đoàn kết, xiết chặt đội ngũ, nỗ lực sáng tạo để có được nhiều tác phẩm có giá trị cao, chứ không phải chia nhỏ để phân liệt.

Là người trong tổ chức, chắc chị biết về nguyên tắc, quy chế thành lập hội, cần tự do mà phải chặt chẽ, nếu không sẽ là nguyên cớ hình thành những hội đoàn đi chệch tôn chỉ, chức năng, nảy sinh những kiểu như một vài tổ chức “độc lập” gần đây là rất nguy hại.

4. Chị Lệ có nói “thực lòng không thiết viết ra những dòng (của bài báo) này” và “vẫn còn coi mình là hội viên của Hội”, thì xem ra tình cảm và suy nghĩ với việc Hội lạnh nhạt thờ ơ và không tâm huyết gì.

Từng là người có trách nhiệm với hoạt động Hội (khi ở Phòng văn hoá văn nghệ của Ban Tuyên giáo Thành uỷ), sao trước đây chị không góp ý, báo cáo lên cấp có thẩm quyền chỉ đạo uốn nắn kịp thời, nay lại công bố một bài báo như vậy.

Chị Lệ có ý nhắc Hội nhà văn “cần lắm những tấm lòng”, điều đó chỉ đúng một phần, vì ở đây ngoài “tấm lòng” còn cần trí tuệ, ý thức chính trị, tính trung thực khoa học và sự nhạy cảm của người cầm bút nữa.

5. Cũng như nhiều hội chuyên ngành khác, Hội nhà văn thành phố đang trong quá trình tiến đến Đại hội lần thứ VII. Ban chấp hành Hội nhà văn khoá VI đã có các văn bản Báo cáo nhiệm kỳ vừa qua trình Đại hội. Những ưu điểm và khuyết điểm đều được soi rọi bởi cách nhìn nghiêm khắc, trung thực, không né tránh sự thật.

Chúng tôi cũng muốn nói thêm, người viết có thể sai, nhưng người biên tập, người chịu trách nhiệm cao nhất của tờ báo thì phải thận trọng, kỹ lưỡng.

Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố mà Hội Nhà văn thành phố là một thành viên, cùng chung một Đảng đoàn, sát tầng nhau trong một số nhà, chẳng lẽ không nắm được tình hình, lại cho đăng một bài báo như thế, mà trong thời điểm nhạy cảm sắp bước vào Đại hội, chắc chắn sẽ gây rắc rối phức tạp không đáng có.

Rất mong Ban biên tập và các Cơ quan lãnh đạo xem lại và chấn chỉnh góp phần cho Hội nhà văn làm tốt nhiệm vụ của mình.

T/M BAN THƯỜNG VỤ
HỘI NHÀ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hội
LÊ QUANG TRANG


1 nhận xét: