Trong một bài phân tích đăng trên The Diplomat hôm 23/5 vừa qua, chuyên gia Ankit Panda chỉ ra cách Thượng viện Mỹ có thể giúp Mỹ chế ngự Trung Quốc và ổn định tình hình Biển Đông.
Về mặt bản chất, việc Mỹ điều động máy bay và sắp tới có thể là cả tàu tới bán kính 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép là để khẳng định Bắc Kinh đang vi phạm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) trên Biển Đông.
Tuy nhiên, chính đây lại là vấn đề, bởi Mỹ là một trong số ít các nước trên thế giới chưa ký kết tham gia công ước này, và gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ tận dụng kẽ hở đó để bao biện cho các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của mình trên Biển Đông.
Xét một cách rộng hơn, theo The Diplomat, thì dù Mỹ chưa chính thức ký kết UNCLOS, chính sách trên biển của Washington vẫn công nhận công ước này như một phần của luật pháp quốc tế.
Nói cách khác, Mỹ vẫn "cư xử" trên biển theo đúng những luật lệ định ra trên UNCLOS, và coi nó như quy chuẩn quốc tế về mặt an ninh hàng hải.
Tuy nhiên, nếu như Mỹ muốn "làm gương" trên Biển Đông, thì chỉ chấp thuận công ước một cách mặc định thôi là chưa đủ, đặc biệt là khi nước này đang động chạm đến một vấn đề hết sức nhạy cảm trong an ninh hàng hải - quyền tự do đi lại.
Vì lẽ đó, The Diplomat nhận định, chính phủ Mỹ cần đặt ưu tiên hàng đầu cho việc chính thức phê chuẩn và ký kết công ước UNCLOS nếu như Washington vẫn muốn tiếp tục sự hiện diện của mình trên Biển Đông.
Để làm được điều đó, 2/3 nghị sĩ Thượng viện Mỹ sẽ phải đặt bút phê chuẩn dự luật tham gia UNCLOS, điều mà phe bảo thủ trong bộ máy chính trị Washington từ trước đến nay vẫn cương quyết phản đối do lo ngại ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên vào điểm này, khi nghị sĩ cả hai đảng đều đồng tình cho rằng sự bành trướng của Trung Quốc là một mối đe dọa cho tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, The Diplomat cho rằng họ nên có một cách tiếp cận phù hợp cho ưu tiên này.
Thêm vào đó, kể từ khi được thành lập vào năm 1982 cho đến nay, nội dung UNCLOS cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ, chỉnh sửa hoặc bỏ qua một số điều khoản từng khiến Washington từ chối không ký kết phiên bản đầu tiên của công ước.
The Diplomat nhận định, chính phủ Obama cũng như các lãnh đạo cấp cao trong quân đội Mỹ đều nhận ra tầm quan trọng của việc sớm chính thức ký kết UNCLOS đối với thanh thế của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trên Biển Đông.
Năm ngoái, chính Tổng thống Obama cũng từng phát biểu: "Sẽ rất khó để chúng ta có thể kêu gọi Trung Quốc xử lý các tranh chấp chủ quyền theo UNCLOS khi mà ngay chính Thượng viện Mỹ vẫn không phê chuẩn công ước này".
Tương tự, hồi 2012, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã triệu tập 6 Đại tướng và Đô đốc quân đội Mỹ để điều trần về vấn đề này. Kết quả là cả 6 tướng đều ủng hộ việc Mỹ chính thức ký kết UNCLOS.
The Diplomat nhận định, dù ông Obama hiện mất cả lưỡng viện vào tay đảng Cộng hòa, nhưng đối với vấn đề Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, đôi bên hoàn toàn có thể "bắt tay tạm thời" để đối phó với những toan tính của Bắc Kinh.
Điều này có thể thấy khá rõ trong việc mới đây, Thượng viện Mỹ đã "bật đèn xanh" cho ông Obama đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược (TPP) với các nước trong khu vực. TPP được coi là một hình thức để Mỹ kiểm soát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế trong khu vực.
Do đó, nếu như Thượng viện Mỹ có thể tạm gác những bất đồng với Obama sang một bên và sẵn sàng hậu thuẫn ông chủ Nhà Trắng trong mục tiêu TPP, thì việc họ sẽ làm tương tự trong chiến dịch khống chế Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn có thể xảy ra.
Và một khi đã "đường đường chính chính" là một bên tham gia UNCLOS, sự hiện diện của Mỹ trên các khu xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ có trọng lượng hơn gấp bội, khiến Bắc Kinh không thể tiếp tục viện cớ được nữa.
Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015
Trung Quốc hết đường bao biện?
Đức Huy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
kính cường lực iphone chính hãng
Trả lờiXóa