Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Chuyện hôm nay



Báo Telegraph (Anh) ngày 26-5 cho biết Trung Quốc gần đây phô trương hoạt động quân sự cả không quân lẫn hải quân, dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột tại khu vực.

Sách trắng quốc phòng Trung Quốc công bố ngày 26-5 nói rằng hải quân và không quân nước này sẽ tiếp tục là lực lượng triển khai tầm xa vượt xa biên giới để bảo vệ chủ quyền hàng hải. Và cũng trong ngày này Trung Quốc còn tăng thêm căng thẳng khi khởi công xây trái phép 2 ngọn hải đăng ở Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên chiếm của Việt Nam.

Tuần lễ trước đó, vào ngày 20-5, máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã làm ngơ trước các lần cảnh báo xua đuổi của hải quân Trung Quốc khi bay tuần gần các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau đó nhiều báo Trung Quốc, đặc biệt là Hoàn Cầu thời báo, hùng hổ nói Trung Quốc nên chấp nhận một cuộc xung đột với Mỹ, với tuyên bố: “Nếu Mỹ bước qua giới hạn cuối cùng khi ép Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động của mình, thì một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung Quốc là không thể tránh khỏi ở Biển Đông”.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không có dấu hiệu lùi bước, và có nguy cơ một sự cố nhỏ ở không phận xung quanh các đảo nhân tạo sẽ leo thang căng thẳng nhanh chóng.

"Tôi nghĩ rằng mối lo ngại có thể là Trung Quốc đã đánh giá sai tình hình", ông Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple của Nhật Bản nhận xét.

Ông Robert nói rằng không bên nào muốn một cuộc chiến tranh nếu có thể tránh được, nhưng luôn có những giới hạn đỏ cho cả hai bên. Ông đã lo rằng Bắc Kinh xem Mỹ là một cường quốc đang suy yếu và giả định Washington sẽ lùi bước nếu Trung Quốc bắn hạ một máy bay quan sát của Mỹ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào tháng 4-2001, Washington đã chọn cách xuống thang để tránh một cuộc khủng hoảng lớn, sau khi một máy bay chiến đấu Trung Quốc va chạm với một máy bay trinh sát tình báo EP-3 của Hải quân Mỹ ngoài khơi đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, ông Robert nói rằng bây giờ Mỹ sẽ có phản ứng khác vụ việc năm 2001 nếu một sự cố tương tự xảy ra tại nơi Washington khẳng định là không phận quốc tế trên Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đưa hải quân đi xa bờ, như điều tàu chiến đến tận vịnh Aden để bảo vệ tàu bè chống cướp biển. Nhưng Nhật Bản và các đồng minh của Mỹ tin rằng Trung Quốc còn có ý định gia tăng sự hiện diện của lực lượng hải quân trên toàn khu vực Thái Bình Dương.

Trong một diễn biến khác, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nhân vật có mặt tại Hà Nội và Sài Gòn vào cuối tuần này, đã lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa là vi phạm luật pháp quốc tế, tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002 (DOC). Hành động khiêu khích của Trung Quốc đang đe dọa làm suy yếu hòa bình, ổn định trong khu vực. Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng Trung Quốc cần phải trả giá về những hành vi bất hợp tác của họ.

Thượng nghị sĩ John McCain, nói: “Có lẽ hiệp định hợp tác hạt nhân Mỹ - Trung không nên được gia hạn; Hoặc chúng ta nên xem xét tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan; Hoặc chúng ta có thể thực hiện một sáng kiến giúp xây dựng năng lực cho quân đội Philippines”, Thượng nghị sĩ John McCain và các đồng nghiệp trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện cũng lưu ý Trung Quốc đã bồi lấp đến 2000 héc ta nhân tạo ở Trường Sa.

McCain nói rằng ông muốn có hình ảnh công khai hơn về hoạt động xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của người Trung Quốc và kêu gọi tiếp tục công bố các tài liệu tình báo Hoa Kỳ để chứng minh mức độ dự án xây dựng, bồi lấp của Trung Quốc ở Trường Sa.

Tuy nhiên, mặc dù kỳ họp Quốc hội của VN đang diễn ra, song người dân vẫn chưa thấy một phản ứng nào từ phía Quốc hội, về các diễn biến cố tình xâm lược các đảo thuộc chủ quyền của VN ở biển Đông. Dư luận đặt vấn đề có phải do người đứng đầu đảng cộng sản VN vừa qua đã ký kết gì đó liên quan đến vấn đề này với chính quyền Tập Cận Bình, nên không thể há miệng vì sợ mắc oai.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét