Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Trung Quốc âm mưu "dắt trâu qua rào"

Dự kiến ba hướng triển khai của các hạm đội Hải quân Mỹ (màu xanh lam) và hướng đối phó của quân đội Trung Quốc (màu gạch) trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa 2 nước vì căng thẳng ở Biển Đông - Đồ hoạ: FPRI

Có vị trí địa - chiến lược quan trọng và lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không tại biển Đông, Việt Nam ủng hộ và hợp tác với các bên bảo vệ các quyền lợi chính đáng ấy

Từ hơn 1 năm nay, Trung Quốc đẩy mạnh với tốc độ phi mã việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên những đảo đá họ chiếm ở Trường Sa. Tại đó, họ xây dựng các tổ hợp quân sự để kiểm soát biển Đông với các sân bay, quân cảng, đặt các trạm ra-đa, tên lửa, căn cứ hậu cần, doanh trại...

Các đoạn phim quay từ máy bay trinh sát điện tử của Mỹ hôm 20-5 cho thấy một đường băng dài đã hình thành để tiếp nhận các loại máy bay quân sự của Trung Quốc.

Nhận diện quan hệ Mỹ - Trung
Một khi các máy bay ném bom chiến lược tầm trung của Trung Quốc triển khai tại Trường Sa, “cán chổi” quân sự của Trung Quốc sẽ quét một khu vực rộng lớn ở tây bộ Thái Bình Dương, bao gồm toàn bộ Đông Nam Á hải đảo, đảo Guam - nơi đặt các căn cứ không quân chiến lược, tàu ngầm tác chiến nhanh và tàu ngầm nguyên tử của Mỹ, tới tận các vùng biển phía Bắc Úc - nơi đặt trạm ra-đa tầm xa, sân bay ném bom chiến lược cùng căn cứ lính thủy đánh bộ quan trọng của Mỹ ở Nam Thái Bình Dương.

Các căn cứ quân sự mới mà Trung Quốc thiết lập ở Trường Sa sẽ kiểm soát các tuyến hàng hải và hành lang quốc tế, nơi một phần ba sản lượng hàng hóa thế giới chuyên chở ngang qua. Thời bình, các căn cứ này tạo sức ép thường trực lên các nước sử dụng tuyến hàng hải này; khi có xung đột quân sự, chúng có thể gây gián đoạn các con đường biển quốc tế.

Giới quân sự phương Tây cho rằng chỉ cần 11 quả tên lửa là có thể vô hiệu hóa 7 cứ điểm quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa, trong khi tàu khu trục của Mỹ có thể mang theo 120 quả tên lửa. Nhưng điều ấy chỉ có thể xảy ra khi các bên xung đột vũ trang.

Điều Mỹ lo ngại là Trung Quốc đang thực hiện cuộc xâm chiếm hòa bình và “không tiếng súng” hay “không đánh mà người chịu khuất”, bào mòn ảnh hưởng của Mỹ; về dài hạn là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Đông Á - Tây Thái Bình Dương.

Theo phương hướng đó, Trung Quốc đang thực hiện cuộc đại điều chỉnh “chính sách ngoại giao chu biên” để ngăn chặn Mỹ tiếp cận khu vực xung quanh Trung Quốc; đồng thời tạo ra những “không gian phi Mỹ hóa”, như kiểu “Nhất đới Nhất lộ” (1).

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục lợi dụng các khoảng trống quyền lực chính trị, kinh tế để phân chia lại các khu vực ảnh hưởng bằng các biện pháp thương mại, “ngoại giao tín dụng”, “ngoại giao cơ sở hạ tầng”, phát huy quyền lực mềm nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra khu vực đại chu biên (lục địa Á - Âu, Tây Á - Trung Á - Nam Á, châu Phi)… mà không gây xung đột quân sự với Mỹ. Các chính sách ấy về trung hạn còn nhằm đối trọng với chiến lược xoay trục và tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Cạnh tranh Mỹ - Trung là lâu dài, mang tính chiến lược và ngày càng gay gắt. Việc Mỹ và Trung Quốc có hơn 90 cơ chế hợp tác đã không thể khắc phục được sự thiếu tin cậy chiến lược giữa hai bên.

Trung Quốc đề ra chủ trương “xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới” và ráo riết theo đuổi chủ trương này là để ràng buộc Mỹ, trì hoãn xung đột và kéo dài kiểu quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh và cạnh tranh như hiện nay, muốn cùng với Mỹ hình thành một kiểu khuôn khổ quan hệ có thể dự báo được, để có đủ tự tin hành động trong những lĩnh vực quan trọng khác.

Mỹ điểm huyệt Trung Quốc

Ngoại giao Trung Quốc còn nhằm làm cho Mỹ chập chững trong vấn đề biển Đông. Cấp tập xây dựng các căn cứ quân sự, thay đổi nguyên trạng biển Đông… nhằm đặt Mỹ trước “sự đã rồi” trước cuộc gặp Washington giữa Tập Cận Bình - Barack Obama vào tháng 9 tới.

Nếu Mỹ phản ứng “mềm” thì năm 2015 này xem như Trung Quốc sẽ căn bản hoàn thành “dắt con trâu lớn qua rào” trong vấn đề biển Đông, biến thay đổi nguyên trạng thành thực trạng mới.

Mỹ là cường quốc duy nhất vào lúc này có khả năng kiềm chế và đối trọng với Trung Quốc tại biển Đông. Phía Mỹ đang hình thành sự “đồng thuận Washington” về mối đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ cũng như về chủ trương đối phó cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Quốc hội Mỹ đang gây sức ép mạnh lên chính quyền Obama, đòi hỏi có hành động cứng rắn đối phó với Trung Quốc tại biển Đông.

Chưa bao giờ mối lo ngại của Mỹ về Trung Quốc và “mối đe dọa Trung Quốc” đối với lợi ích Mỹ lại hiện hữu rõ nét như vậy trong giới nghiên cứu chính sách và hoạch định chính sách ở Washington.

Quan hệ Mỹ - Trung bước vào trạng thái căng thẳng mới do những nguyên nhân sâu xa nhưng tiêu điểm là biển Đông. Đây là trạng thái cọ xát chiến lược giữa hai cường quốc.

Gần đây, Mỹ thực hiện các đòn điểm huyệt Trung Quốc: Hôm 11-5, cử chiến hạm tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp ở Trường Sa; hôm 20-5, một máy bay trinh sát điện tử của Mỹ hoạt động tại khu vực này.

Các hoạt động này có thể được tiến hành thường xuyên nhằm thách thức tính hợp pháp và những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo, thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải và quyền tự do bay qua khu vực, qua đó buộc Trung Quốc bộc lộ bằng hành động liên quan quyền tự do hàng hải ở biển Đông.

=====================

(1) Là một vành đai kinh tế trên bộ, còn gọi là “Con đường tơ lụa mới” (NSR), xuyên qua lục địa Á - Âu và một “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua biển Đông, tiến vào Ấn Độ Dương - biên giới mới trong nỗ lực của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc.


TS Nguyễn Ngọc Trường (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quốc tế)


1 nhận xét: