Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Dân không thờ sai ai bao giờ

“Cứ đi khắp miền Nam mà xem, đâu đâu cũng thấy nghi ngút miếu thờ Lê Văn Duyệt. Mà một khi dân đã thờ, đã tôn như thánh suốt bao nhiêu năm thì con người ấy nhất quyết không thể là người sai trái!” – đạo diễn Doãn Hoàng Giang, nhận xét.

Thời mạt Pháp

Bác tôi ở An Giang lâu ngày ghé thăm. Mấy giờ đồng hồ liền, bà nói với tôi về Hội Long Hoa và những điều gì đó sắp xảy ra. Một người đàn bà ít tiếp xúc với mọi người, tự nhiên lại trở nên lưu loát khi nói về Đạo Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Giáo Chủ và cả Ngài Minh Chiêu của Cao Đài.

- Sắp tới Hội Long Hoa rồi, mọi thứ sẽ lập lại như thời thượng cổ, bây không lo tu tập sau này đừng có mong bước lên thuyền Rồng.

- Hội Long Hoa là hội gì? Mà bây giờ thế giới văn minh làm sao sống như thời thượng cổ được?

- Bởi vậy tao mới nói là ráng nên tu tập, ăn chay niệm Phật, để sau này đỡ cho tấm thân.

- Mà Bác tu đi, rủ con làm chi, bác biết con đâu tin mấy vụ này!

- Vì thế nên bác mới ngồi đây giải thích cho con hiểu, con xem như đây là cái duyên giữa con với bác.

Phàm làm người thì luôn ham công danh phú quý, ham chồng giàu sang, đẹp trai phong độ. Nhưng giàu sang mà không biết tích phước, làm thiện thì cũng như không. Còn đẹp chỉ là xác thân bên ngoài khi già da mồi tóc bạc, chết đi chỉ là một đống thịt thối.

Danh vọng càng cao khổ đau càng lớn, mọi thứ nơi chốn hồng trần này chỉ là tạm bợ, sao con không một lần nghe lời bác nghe kinh niệm Phật cho trong lòng vô vi, tâm tự tại, an lạc thảnh thơi, buông bỏ hết những phiền toái bộn bề…

Thời mạt pháp đến rồi, những ai hung dữ sau này bị thú dữ cắn xé, quỷ dữ hiện ra khắp nơi để trừng trị kẻ ác, thiết lập lại cuộc sống thái bình. Bây giờ con không nhìn thấy xung quanh sao? Chồng giết vợ, vợ thuốc chồng, cha con chém giết lẫn nhau, bà già sáu mươi tuổi ra đường cũng bị hãm hiếp, bắt chó thôi cũng hàng trăm người đánh giết thử hỏi một xã hội bất an như thế con không nhìn thấy điều gì sao? Đó chính là mạt pháp, thời suy quỷ lộng nên con người ta mới làm ra những chuyện thương thiên hại lý như vậy.

Đừng có nói rằng văn minh, mà đạo đức suy đồi đó chính là chu kỳ để lập ra thời Thượng cổ. Con người sống ác với nhau, hời hợt với những thân phận kẻ khác, con người ngày càng đào sâu sự hận thù, và những thảm họa chiến tranh, thì không thể gọi là sống, là người mà là Ma Vương quấy phá…

Tôi choáng ngợp, mới có ít năm không gặp mà giờ đây bà như là một người khác vậy, làm tôi cũng có suy nghĩ phải chăng đời mạt pháp đang đến gần, còn những kẻ lám ác chính là những con Ma Vương?.

Trong những đám tang tôi thường được nghe bài sấm: Cuộc hồng trần, xoay vần quá ngắn/ Kiếp phù sinh, tụ tán mấy năm hơi/ Người đời có biết chăng ôi,/ Thân này tuy có, có rồi lại không.

Tấm ảnh bắt buộc... thờ

Ở Miền Tây, từ xa xưa đồng bào đều tin vào tôn giáo như Công giáo, Tin lành, như Phật Thầy Tây An, đạo Hoà Hảo thì có Đức Huỳnh Giáo Chủ, Cao Đài Minh Chiêu… Và một số người tu tập có nhiều đệ tử thì đều được gọi là ông Đạo, ví dụ ông Đạo Dừa.... Các tín ngưỡng đều được tôn trọng, sống hoà thuận với nhau trong một vùng sông nước bao la, nhiều sản vật. Hiếm có một miền đất nào mà các tín ngưỡng khác nhau đều chung sống hoà bình như vậy.

Sau tháng 4 năm 1975, chính quyền bắt buộc các vị trí trang trọng để thờ cúng trong các đền chùa, gia đình phải dành để hình bác Hồ.

Vậy là mỗi hộ gia đình đều có một ảnh bác Hồ - nhưng không ai chấp nhận treo nơi thờ cúng, mà chỉ treo như vật trang trí trên bức vách. Mỗi tỉnh đều có đền thờ bác Hồ. Khắp nơi đều có tượng, ảnh bác Hồ để cho mọi người học tập theo gương sáng của bác Hồ.

Riêng tỉnh Cà Mau có 15 đền và phủ thờ. Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh… có những đền to hoành tráng, và hơn 90 phần trăm hộ dân để hình bác Hồ trong nhà.

Riêng gia đình tôi có ít nhất 5 ảnh bác Hồ, một ảnh dán trên tờ lịch đã cũ, mấy cái chén và đĩa được in hình bác. Mỗi ngày gia đình tôi ăn cơm, có gì thì cho bác ăn cái nấy!

Người Nam Bộ nói chung và nhất là miền Tây rất hiền hoà nhưng không hề ngây thơ. Những điều hợp với đạo lý dân tộc kể cả tín ngưỡng đều được mặc nhiên chấp nhận, nhưng không thể vì thế mà cưỡng ép một cách thô bạo.

Muốn nói gì đi nữa, thì truyền thống văn hoá, đạo lý dân tộc, đạo đức xã hội được bảo tồn và phát triển nhờ những tôn giáo chân chính. Mục tiêu là giải phóng con người không phân biệt giai cấp, chứ không phải thủ tiêu giai cấp này để mang lại lợi ích cho giai cấp khác như lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản.

Giữa tín ngưỡng tôn giáo Miền Tây và việc thờ ảnh bác Hồ trong nhà để mọi người học tập, phải chăng bác Hồ giờ đây cũng đã trở thành một ông thánh trong lòng dân tộc (?).

Dân không thờ sai ai bao giờ

Lịch sử phức tạp có thể mang những định kiến chủ quan và sai lầm, nhưng lòng dân thì luôn sáng suốt và giản dị. Đền thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được người dân tự nguyện lập ra ở nhiều nơi.

Cứ đi khắp miền Nam mà xem, đâu đâu cũng thấy nghi ngút miếu thờ Lê Văn Duyệt. Mà một khi dân đã thờ, đã tôn như thánh suốt bao nhiêu năm thì con người ấy nhất quyết không thể là người sai trái!

Tấm ảnh bắt buộc phải treo trong từng nhà người dân Miền Tây suốt 40 năm qua, chưa bao giờ được người dân tôn thờ theo đúng ngữ nghĩa của từ này. Bởi, “có công với đất nước”, không phải chỉ là đánh đông dẹp bắc, mà còn phải làm cho đất nước càng văn minh, càng giàu đẹp hơn.

Người trong tấm ảnh bắt buộc phải treo kia, dường như chưa bao giờ làm được điều đáng để tôn thờ đó.


Phạm Kiều


0 nhận xét:

Đăng nhận xét