Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Góp ý dự luật tín ngưỡng tôn giáo - Bài 3

Bài 3: Tài sản của tổ chức tôn giáo vẫn còn bỏ ngỏ

Nhà nước buộc tổ chức tôn giáo phải xin phép thì mới được hoạt động. Song các tài sản của tổ chức tôn giáo – dù có hay không có “tờ giấy phép”, đều không được đề cập đến trong dự thảo luật, và những tài sản này của tôn giáo vẫn bị “cưỡng chiếm”, bất chấp quyền sở hữu hợp pháp được thể hiện bằng văn bản.

Nói cách khác, là nhà nước “cấp giấy phép” công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, song các văn bản luật liên quan, như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai,… thì tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo sau công nhận ở VN vẫn chưa rõ và chưa đầy đủ.

Chưa rõ ở chỗ: chưa có điều luật nào thể hiện rõ vị trí của tổ chức tôn giáo sau khi được nhà nước công nhận, đứng ở đâu trong các loại pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Xem ra tổ chức tôn giáo rất gần với tổ chức xã hội, nhưng ở đây vẫn thiếu một sự khẳng định của luật.

Chưa đầy đủ ở chỗ: tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận, tức được “cấp giấy phép”, nhưng về tài sản của tổ chức tôn giáo, thì vẫn chưa có bất kỳ sự bảo hộ nào của luật pháp – kể cả trong dự thảo luật tín ngưỡng và tôn giáo cũng “quên” luôn chuyện này.

Trong một đề tài nghiên cứu của ThS. Tạ Thu Thủy, Viện Khoa học Thanh tra, cho biết trong đất đai liên quan đến nguồn gốc tôn giáo, cho đến nay vẫn còn khá nhiều những phần bất động sản này do chính quyền trưng thu, trưng dụng, mượn… song đã không trả lại cho các tổ chức tôn giáo.

ThS. Tạ Thu Thủy, nói rằng cho đến nay, “nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo còn hạn chế, chưa đầy đủ nên khi thực hiện, giải quyết các khiếu nại liên quan đến vấn đề về tôn giáo chưa tạo được sự thống nhất”…

Trong khi đó thì các tổ chức tôn giáo kiên trì đòi lại các cơ sở có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo, vì tổ chức tôn giáo cho rằng đó là các cơ sở có lịch sử lâu đời, gắn với quá trình phát triển, lịch sử của giáo hội.

Tuy nhiên các cơ quan nhà nước vin vào cớ, “nguồn gốc liên quan đến tôn giáo đều không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến cơ sở cũ” để từ chối việc trả lại đất của tôn giáo.

“Hiện nay, chúng ta không có một văn bản hướng dẫn hay văn bản quy phạm pháp luật riêng về việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến tôn giáo”. ThS. Tạ Thu Thủy, khẳng định. Và thiếu sót này vẫn chưa được sửa đổi trong nội dung của dự thảo luật tín ngưỡng và tôn giáo.

Tuy nhiên, không có nhiều khả năng về việc nhà nước sẽ bổ sung những thiếu sót như nói trên vào dự thảo luật tín ngưỡng và tôn giáo. Lý do: mấu chốt của khó khăn nằm ở chỗ có sự khác biệt trong quan niệm về sở hữu.

Do yếu tố lịch sử, đất đai của Nhà thờ hay các cơ sở tôn giáo được bên tôn giáo coi như sở hữu gần như của tư nhân, thí dụ của Tòa thánh. Thế nhưng, nguyên tắc chủ đạo kể từ khi thành lập nhà nước XHCN là toàn bộ đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Tuy nhiên nếu đã soạn thảo luật về tôn giáo, buộc phải tính đến ảnh hưởng quốc tế của các tổ chức tôn giáo với tư cách chủ sở hữu.

Đơn cử, vừa qua đã xảy ra một số vụ khiếu kiện, tranh chấp lớn khi người Công giáo muốn "đòi lại" đất đai vốn thuộc sở hữu của Nhà thờ với các giấy tờ hợp pháp. Các vụ Nhà Chung, Thái Hà hay Tam Tòa đã gây đau đầu cho giới chức khi xử lý.

Tuy chính quyền khẳng định “kiên quyết lập lại trật tự về đất đai phù hợp với đường lối chính trị của Đảng”, song chỉ có thể giải quyết rốt ráo các tranh chấp đất đai có nguồn gốc tôn giáo nếu chuyển sang chấp nhận sở hữu tư nhân trong lĩnh vực đất đai.

Và nếu tiếp tục "Đảng hóa" trong chính sách quản lý, chắc chắn không một kỳ vọng nào cho dự luật tôn giáo tại Việt Nam.

Minh Tâm



Bài 1: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/gop-y-du-luat-tin-nguong-ton-giao.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét