Bài 2: Thách thức quyền tự do tôn giáo
Hạn chế phát triển tôn giáo
Dự thảo luật có đến 3 loại đăng ký: trước nhất là “đăng ký sinh hoạt tôn giáo”, rồi đến “đăng ký hoạt động tôn giáo”, và “đăng ký tổ chức tôn giáo”.
Không chỉ vậy. Dự thảo luật còn đưa ra đến 39 điều khoản về qui định từ việc tổ chức đại hội thường niên, thành lập hội nhánh, phong chức, bổ nhiệm, tuyển người đi tu,…
Như vậy, với quá nhiều “hàng rào kỹ thuật” được dựng lên bằng hệ thống văn bản luật, cho thấy các nội dung được soạn thảo ở dự luật tín ngưỡng và tôn giáo đã đi ngược lại các nội dung mà nhà nước Việt Nam đã ký cam kết trong thực hiện Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966).
Tổ chức tôn giáo sao lại phải chờ tờ giấy phép của Nhà nước?
Theo dự thảo luật, các cụm từ sau đây chỉ được dùng khi được nhà nước “cấp phép công nhận”: 1. Cơ sở tôn giáo; 2. Tổ chức tôn giáo; 3. Tổ chức tôn giáo trực thuộc. (Trích điều 3, dự thảo luật)
Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo (freedom of thought, conscience and religion) trước hết được ghi nhận trong Điều 18 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Theo Điều này, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư.
Nội dung của Điều 18 UDHR sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 18 và 20 ICCPR.
Điều 18 ICCPR cụ thể hóa quy định trong Điều 18 UDHR về quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, theo đó: Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tôn giáo.
Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng.
Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ (Khoản 1 và 2).
Khoản 3 Điều 18 cho thấy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, đồng thời quy định những giới hạn cho việc hạn chế quyền này, theo đó, quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Như vậy, với việc nhà nước VN chỉ chấp nhận người dân được tham gia vào các tổ chức tôn giáo, khi tổ chức ấy được nhà nước “cấp giấy phép”, là hoàn toàn đi ngược lại với Điều 18 ICCPR.
Minh Tâm
+ Bài 3: Nhà nước VN hạn chế quyền tự do tôn giáo bằng “hàng rào kỹ thuật” văn bản hành chính, là điều không thể tiếp tục chấp nhận. Như lời phát biểu của tổng bí thư đảng CSVN, hôm bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, 07-05-2015, thì nội dung soạn thảo của dự luật thuộc nghi vấn nhằm mang đến “lợi ích phe nhóm”…
“Phe nhóm” ấy là ai? Xin cùng tìm câu trả lời ở bài viết tiếp theo.
Bài 1: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/gop-y-du-luat-tin-nguong-ton-giao.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét