Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Sao lại ép tăng tuổi hưu?

Nếu muốn được hưởng lương hưu tối đa (75%) thì chị em phải làm việc, đóng BHXH thêm 5 năm nữa. Như vậy không ép tăng tuổi hưu là gì?

Hôm vừa rồi, công ty mời một chuyên gia về bảo hiểm xã hội (BHXH) đến tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi (có hiệu lực từ năm 2016). Nhờ ban giám đốc và Công đoàn vận động nên gần 100% công nhân trực tiếp đã đến ngồi nghe suốt buổi nói chuyện.

Phải công nhận là phần truyền đạt của chuyên gia rõ ràng, ngắn gọn, cụ thể và chỉ xoáy sâu vào những vấn đề người lao động quan tâm như các chế độ được hưởng, điều kiện được hưởng, mức hưởng...

Trước khi buổi nói chuyện kết thúc thì có phần giải đáp thắc mắc. Một nữ công nhân còn trẻ đứng lên phát biểu: “Mong chuyên gia trả lời dùm cháu, có phải sau này mức hưởng lương hưu sẽ giảm và tuổi hưu của người lao động sẽ tăng? Tức là trong điều kiện lao động bình thường, không phải nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi sẽ được nghỉ hưu mà nam phải tăng lên 65 và nữ tăng lên 60 tuổi mới được nghỉ hưu và hưởng mức lương hưu tối đa 75%?”.

Ngay lập tức, vị chuyên gia lắc đầu: “Không đúng. Đâu có quy định nào đề cập đến chuyện tăng tuổi hưu? Các bạn chịu khó xem lại, từ đầu đến cuối Luật BHXH 2014, tất cả 125 điều khoản, không hề có từ ngữ nào nói đến chuyện tăng tuổi nghỉ hưu”.

Không khí buổi nói chuyện bắt đầu sôi nổi. Mọi người bàn tán xôn xao, chủ yếu là hỏi nhau xem thật sự có quy định giảm mức hưởng và tăng tuổi nghỉ hưu hay không? Họ hỏi nhau và tự trả lời rằng cũng chẳng biết thực hư thế nào vì đâu có ai nghiên cứu đủ 125 điều của Luật BHXH mới đâu?

May mắn là có một chị nữ đã đứng tuổi là cán bộ quản lý đứng lên xin phát biểu. Chị nói rất từ tốn: “Có lẽ chuyên gia cũng chưa có thời gian nghiên cứu kỹ Luật BHXH 2014 nên mới phát biểu như vậy. Theo tôi, tuy xuyên suốt 125 điều khoản không có từ ngữ nào nói đến tăng tuổi nghỉ hưu nhưng thật sự ẩn chứa bên trong các quy định là có việc đó, tức có việc tăng tuổi nghỉ hưu”.

Rồi chị dẫn chứng điều 56 Luật BHXH 2014. Theo điều luật này, từ năm 2018 trở đi, nếu lao động nữ đóng BHXH 25 năm, khi nghỉ hưu chỉ còn được hưởng mức lương hưu tối đa là 65%; trong khi mức hưởng hưu hiện nay cho thời gian đóng BHXH 25 năm của chị em là 75%.

Có nghĩa, nếu muốn được hưởng lương hưu tối đa (75%) thì chị em phải làm việc, đóng BHXH thêm 5 năm nữa. Như vậy không ép tăng tuổi hưu là gì?

Về phía lao động nam, từ năm 2018, nếu đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH thì để được hưởng mức lương hưu tối thiểu 45%, họ phải mất 16 năm tham gia BHXH (hiện nay là 15 năm), năm 2019 thì là 17 năm và cứ tăng dần đến năm 2022 trở đi, để được hưởng mức lương hưu tối thiểu 45%, họ phải mất 20 năm đóng BHXH chứ không phải 15 năm như bây giờ.

Cũng có nghĩa, họ phải đóng BHXH 35 năm thì mới được hưởng lương hưu tối đa 75% (hiện nay là 30 năm). Nếu không tăng tuổi hưu thì mức hưởng lương hưu sẽ rất thấp. Như vậy không ép tăng tuổi hưu là gì?

Nghe chị phân tích, mọi người ngớ ra. Đúng là luật không nói “trắng trợn” nhưng với những quy định “chặn đầu, chặn đuôi” như vậy rõ ràng là chỉ có một con đường duy nhất là phải kéo dài thời gian làm việc, tham gia BHXH, nói cách khác là phải tăng tuổi nghỉ hưu nếu không muốn lương hưu bị sụt giảm.

Tôi không nghiên cứu kỹ pháp luật về BHXH như các chuyên gia nhưng những điều mới được nghe cứ rõ mồn một như ban ngày. Chị em công nhân trực tiếp sản xuất ở công ty tôi đến 50 tuổi là mắt mờ, tay run, giám đốc chẳng muốn giữ lại. Nếu cho họ nghỉ việc thì liệu lương hưu của họ được mấy đồng để an hưởng tuổi già?

Yêu cầu Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, sẵn sửa điều 60 Luật BHXH 2014 thì sửa luôn điều 56 theo hướng giữ nguyên như luật hiện hành để cho người lao động được nhờ, nhất là lao động nữ.


Lê Thị Mai


0 nhận xét:

Đăng nhận xét