Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Giải mật Hô Chí Minh

Ông Hồ không tàn ác bằng ông Mao?

Lịch sử lạnh lùng và mặc nhiên đi qua thời gian với những chứng cứ, chứng tích không thể nào bác bỏ được. Nó chính là sự thật.

Ông Nguyễn Vĩnh Châu, cựu phóng viên đài VOA, đã thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt sử gia Vũ Ngự Chiêu về ông Hồ Chí Minh.

Xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả những thông tin liên quan đến “giải mật Hồ Chí Minh”, dưới góc nhìn thuần túy về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu.

+ Theo ông thì trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, ông Hồ Chí Minh có trách nhiệm gì không ?

* Năm 1952, Mao Trạch Đông mời Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh, ép phải cải cách ruộng đất. Đồng thời thực hiện chỉnh quân, chỉnh huấn. (Hoan, 1987:359-367).

Theo tài liệu chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hội nghị lần thứ tư Trung ương Đảng LĐVN (25-30/1/1953) đã quyết định tiến hành cải cách ruộng đất, tức phong trào đấu tố (rập khuôn Trung Cộng).

Ngày 25/1/1953, HCM đọc báo cáo về tình hình trước mắt và nhiệm vụ CCRĐ. Triệt để giảm tô, tiến tới CCRĐ. Theo Hồ, từ 1945, đã thực hiện giảm tô, nhưng tới nay chưa đúng mức: có nơi giảm, nơi chưa giảm. Nay phải triệt để thực hiện giảm tô. Phải phát động quần chúng nông dân tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô giảm tức và giành lấy ưu thế chính trị ở nông thôn. Đảng và chính phủ phải lãnh đạo, tổ chức, giúp đỡ, kiểm tra. Sau đó sẽ cải cách ruộng đất.

Ngày 5/2/1953, Trường Chinh ra chỉ thị về cách phổ biến Nghị Quyết của Hội nghị lần thứ tư BCHTW (khóa II): chỉ phổ biến CCRĐ tới cấp khu ủy và đại đoàn ủy, nhưng tạm thời giữ bí mật thời điểm thực hiện. Cấp tỉnh ủy và trung đoàn ủy chỉ nói giảm tô, tiến tới CCRĐ. Cấp dưới, không nói đến CCRĐ, chỉ nói đến 5 công tác trong năm 1953. (VKĐTT, 14:136-137).

Trong khi đó, Hồ liên tục xuất hiện phát động các kế hoạch rập khuôn Trung Cộng khác: Ngày 5/2/1953, HCM nói chuyện trước Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc. Hôm sau, 6/2/1953, HCM nói chuyện trước lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, Dân, Chính ở cơ quan TW. Hồ nhắc nhủ các cán bộ: "Ngồi giữa hai ghế thì nhất định sẽ ngã."

Ngày 22/4/1953, Ban Bí thư ra chỉ thị v/v 10 điều kỷ luật của cán bộ khi thi hành CCRĐ. Ngày 24/4/1953, Ban CHTW ra Chỉ thị v/v phát động quần chúng trong năm 1953.

Chỉ thị của BCT ngày 4/5/1953 v/v Mấy vấn đề đặc biệt trong phát động quần chúng trong năm 1953 phản ảnh khía cạnh sắt máu của kế hoạch CCRĐ: Trừng trị địa chủ phản động và gian ác. Mức thoái tô, dây dưa tiền công. Tước vũ khí của địa chủ [vụ đồn điền Vũ Ngọc Hoành]. Yêu cầu về trình độ tổ chức trong cuộc phát động quần chúng.

Chỉ thị số 43/CT/TW của BCT ngày 10/6/1953 v/v Hướng dẫn công tác phát động quần chúng. (VKĐTT, 14:223- 234. Theo tin quân sự Pháp, thời gian này tại miền Bắc, Pháp chỉ kiểm soát được 1,129 làng (trên tổng số 7,000 làng). (10H 282).

Phản ứng của dân chúng, và nhất là cán bộ cực kỳ xúc động. Ngày 29/6/1953, Thông Tri của Ban Bí thư về vấn đề tuyên truyền phát động quần chúng. ghi nhận "Ngay đến một số cán bộ lãnh đạo chưa thấm nhuần đường lối của CP. Nhiều nơi, địa chủ và ngay cả phú nông, trung nông tự tử." (VKĐTT, 14: [tr. 246])

Ngày 3/7/1953, để trả lời những thắc mắc như "có CCRĐ trong kháng chiến hay không?," BCT khẳng định Hội nghị TW lần thứ 4 (1/1953) đã quyết định CCRĐ trong kháng chiến.

Trung tuần tháng 11/1953, tại Hội nghị lần thứ 5 BCH/TW Đảng LĐVN và Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất Đảng LĐVN (14-23/11/1953), kế hoạch CCRĐ được chính thức công bố. Bước kế tiếp chỉ còn là việc của Quốc Hội. Ngày Thứ Ba, 1/12/1953, Quốc Hội VNDCCH họp khóa thứ ba [tới 4/12/1953]. HCM tham dự. Đọc báo cáo về tình hình thế giới, kháng chiến và CCRĐ.

Trên mặt trận tuyên truyền, người ta chỉ được giải thích là lấy ruộng đất của "địa chủ phong kiến, Việt Gian ác ôn" chia cho người nghèo, với khẩu hiệu người cày có ruộng.

Trên thực tế, để tiêu diệt cái gọi là chế độ sản xuất phong kiến, chính phủ Hồ áp dụng "công lý bần nông," tức các phiên tòa đấu tố, bắt ép những người bị qui [vạch] vào thành phần địa chủ, cường hào, ác ôn hay Việt Gian phải nhận cả những tội lỗi họ chưa bao giờ vi phạm; rồi sau đó xử tử hình, hạ tầng công tác hay tập trung cải tạo.

Đợt thí nghiệm ở Thái Nguyên (dân số 10,781 người) từ tháng 12/1953 tới tháng 3/1954. Tịch thu, trưng thu, trưng mua 2,609 mẫu cho 6,089 nông dân. (VKĐTT, 15:1954, p. 201).

Số nạn nhân của kế sách CCRĐ được ước lượng từ 15,000 tới 50,000 người. (Catton, 2002; Brocheux, 2003:225).

Cần nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược của CCRĐ vào thời gian này: bên cạnh quyết tâm "tiêu hủy giai cấp địa chủ phong kiến," nhắm mở rộng sự kiểm soát các làng xã, tiêu diệt khả năng chống đối của địa chủ, gia tăng thu nhập lương thực và thuế, gia tăng số người nhập ngũ và "dân công" phục vụ nhu cầu chiến trường (lên tới hơn 100,000 trong chiến dịch Điện Biên Phủ).

Mãi tới sau đợt cải cách ruộng đất thứ 5 vào mùa Xuân-Hè 1956–trong không khí chống đối, bất mãn khắp nơi, kể cả biến cố nông dân Quỳnh Lưu nổi dạy, Võ Giáp phải mang quân lính đến đánh dẹp–Hồ mới họp Hội nghị TWĐ lần thứ 10 (khóa II, 8-10/1956), nhìn nhận khuyết điểm, tự chỉ trích và phê bình; rồi tự mình thay Trường Chinh làm Tổng Bí thư, và trừng phạt chiếu lệ những cán bộ điều khiển chính sách cải cách ruộng đất. (TTLTQG 3 (Hà Nội) có một số tư liệu của Kho Quốc Hội đã giải mật.

Bộ Văn Kiện Đảng Toàn Tập cũng in lại khá đầy đủ những nghị quyết và chỉ thị cơ bản về chính sách CCRĐ của Đảng Cộng Sản từ năm 1949 tới 1957.

HCM đã chịu áp lực của Bắc Kinh để thực hiện việc cướp đoạt tập thể tài sản dân chúng này, nhưng qui trách cho sai lầm của Trường Chinh, không phải do các cố vấn TQ. (Hoan, 1987:366-367)

Kết luận sơ khởi của chúng tôi là cuộc cách mạng thổ địa vừa từ trên xuống (theo nghĩa do đảng LĐVN lãnh đạo, phát động, tổ chức và kiểm soát) vừa từ dưới lên (bạo lực tự phát của giới nông dân nghèo khổ, ao ước được chia đều phương tiện sản xuất, kể cả đất đai) chỉ mới thành công về chính trị và quân sự hơn kinh tế và xã hội hay văn hóa.

Nguyễn Vĩnh Châu


2 nhận xét: