Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Vì sao giới trẻ ngày càng hung tợn?

Bài 2: Bạo lực là con đẻ của dối trá

Hình ảnh những người dân oan bị công an giả trang côn đồ để tấn công, đánh đập kèm đe dọa buộc người dân phải “câm miệng”, và những tên công an côn đồ này tiếp tục được sự dung dưỡng của chính quyền, càng củng cố cho tuổi trẻ hôm nay về thói quen hành xử bằng bạo lực, bằng dao búa, mã tấu, súng hoa cải…

Độc tài toàn trị luôn cần đến sự dối trá để tồn tại


Dối trá và bạo lực luôn đi đôi với nhau. Một chế độ khủng bố luôn xây dựng trên dối trá. Ðó là sự thật mà nếu còn có chút lương tri, không ai có thể chối cải được.

Trong buổi thuyết trình vào ngày 12-3-2002 tại đại học Columbia, Hoa Kỳ, với đề tài: “Nước Nga: Hiện tại và tương lai”, cựu chủ tịch Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev, đã nêu rõ vấn đề dối trá của đảng Cộng sản nhân dịp kỷ niệm 10 năm sau ngày sụp đổ của chế độ Cộng sản, nhờ chính sách đổi mới “Perestroika” (tiếng Nga: Перестройка, có nghĩa là “cải tổ”) của ông.

Ông nói rằng vào thời điểm ông lên cầm quyền, khi các vệ tinh của Nga đang bay trên quỹ đạo, những cán bộ lãnh đạo chỉ bàn về vấn đề kem đánh răng, bột giặt... nói chung chỉ là vấn đề hưởng thụ.

Ông nói thêm: “Những cán bộ đảng chỉ điều hành quốc gia với sự gian dối. Chúng tôi, - trong số đó có tôi, - từng nói “Tư bản đang đi đến chỗ huỷ diệt, trong khi chúng ta đang phát triển tốt đẹp”. Lẽ dĩ nhiên đó chỉ là những lời tuyên truyền. Trên thực tế, quốc gia chúng tôi đang bị bỏ rơi đằng sau”.

Ông Hồ Chí Minh đã khởi đầu dối trá như thế nào?

Sự dối trá đã bám rễ trong tâm trí của những người Cộng sản. Họ dùng bất cứ thủ đoạn nào để che giấu sự thật. Tất cả huyền thoại của một đảng cộng sản được trang bị bằng vũ khí “bách chiến bách thắng” là chủ nghĩa Mác-Lê được bắt đầu bằng cuộc khởi hành xuống tàu đi Pháp của ông Hồ Chí Minh.

Trong khi ông đi tìm miếng cơm manh áo cho chính bản thân ông, bằng cách gửi thư lên ông Bộ trưởng Thuộc địa Pháp xin được theo học ở trường thuộc địa để thành tài, và có cơ hội phục vụ mẫu quốc, thì đảng cộng sản lại nói ông xuống tàu để tìm đường cứu nước.

Sau này, ông Hồ thấy nói dối như thế có lợi cho kế hoạch đánh bóng thân thế của ông, nên ông không hề cải chính. Khi nắm trọn miền Bắc, ông Hồ lại dối trá bằng cách lấy bút hiệu Trần Dân Tiên để tự viết tiểu sử mở đầu bằng câu: “Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của người được?”.

Bắt đầu từ chuyện tự viết tiểu sử bất hủ của ông Hồ để tuyên truyền rầm rộ trong nhân dân miền Bắc đói khổ, đảng Cộng sản ngày càng nhận thấy “giá trị” của sự dối trá. Nó đánh lừa được số dân chúng, và họ sẵn sàng xả thân để đi đúng theo con đường mà đảng Cộng sản muốn.

Khi dối trá trở thành chuyện... bình thường

Trong một bài viết có tên “Tiếng nói giáo dân”, tác giả ký tên là Sơn Nghị đã đưa ra nhận định như sau:

Trong một xã hội xảo ngôn, người dân bị bưng bít mọi sự thật thì những đứa trẻ lớn lên cũng tin đó là sự thật. Dĩ nhiên nhà trường không bảo thẳng những trẻ thơ phải nói dối nhưng sớm gieo vào đầu óc chúng những tư tưởng hận thù giai cấp, trong khi Luân lý Giáo khoa thư dạy phải yêu thương đồng loại.

Thêm vào đó, đảng lại dạy chúng sớm biết nghi ngờ hết mọi người, ngay cả ông bà cha mẹ, để dám tố cáo những tư tưởng chống đối, phản cách mạng; còn Luân lý Giáo khoa thư lại dạy phải biết tôn kính những người già cả. Ðây là một căn bệnh cố hữu của người Cộng sản. Họ nghi ngờ tất cả, lúc nào cũng thấy địch chung quanh, và họ cho đó là “cảnh giác cách mạng”.

Làng xã lại lập ra tổ “tam tam”, nghĩa là cứ ba nhà làm thành một tổ nhưng thật sự là dò xét, canh chừng lẫn nhau. Vì thế, ngay tại gia đình, mọi người đều kín miệng trong bất cứ chuyện gì, không để nhà bên cạnh biết việc trong nhà mình.

Dân chúng sống mãi trong một bầu khí nghi kỵ, không dám tin ai, chẳng dám mở miệng nói với ai một điều gì thật trong lòng... Ðã một thời, ở các làng Công giáo các cụ gặp nhau thường hỏi thăm, “dạo này có khỏe không?”. Câu trả lời thường là, nhờ ơn Chúa, gia đình tôi vẫn bình thường.

Sau năm 1954, câu trả lời chung nhất là, “nhờ ơn bác và đảng, gia đình tôi vẫn bình thường”. Biết mình đang nói dối nhưng vẫn phải nói, để sống còn. Ngay ở trong một xóm đạo, nơi mà đời sống tinh thần tương đối khá hơn ngoài xã hội, thế mà người dân còn phải nói dối thì huống gì bên ngoài lũy tre xanh, người ta còn dối trá đến đâu mà kể.

Những đứa trẻ miền Bắc lớn lên trong một khung cảnh dối trá đầy dẫy nghi ngờ như thế và dần dần chúng thấy dối trá là chuyện bình thường. Lớn lên, ra ngoài xã hội, chúng cũng nhận ra những điều thầy cô đứng trên bục giảng gân cổ tự hào về một xã hội Cộng sản cũng chẳng đúng sự thật.

Tôn giáo nhiều lúc phải ngậm ngùi...

Ủy viên Trung ương đảng Trần Bạch Ðằng, năm 1977, phải nhìn nhận con nít miền Nam lễ phép hơn con nít ở miền Bắc. Nhưng đức Lễ này thảm thương thay đã chấm dứt ngay sau năm 1975 vì đảng Cộng sản đã áp dụng chính sách ngu dân (con cái trong chế độ cũ không được học lên cao) và áp đặt nền giáo dục phi luân lý cho con em miền Nam.

Thế là nguyên cả một thế hệ đầu tiên thời hậu chiến sống mất kỷ cương, lững thững đặt chân xuống cuộc đời với nhiều gương xấu của cha ông, trong đó sự dối trá nổi bật hơn hết. May mắn thay cho lớp trẻ thời hậu chiến là tôn giáo vẫn còn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong xã hội từ Nam chí Bắc.

Nhà thờ, chùa chiền, thánh thất vẫn là nơi dạy dỗ và cổ võ một nền luân lý truyền thống của cha ông.

Vai trò của các linh mục, mục sư, nữ tu, thượng tọa và đại đức chưa bao giờ bức thiết bằng lúc này, khi đất nước ngả nghiêng trong hỗn loạn luân lý, khi tuổi trẻ đang mất dần định hướng.

Tôn giáo có tác dụng như một cái phanh, kìm giữ một tuổi trẻ bơ vơ đang lao mình xuống vực thẳm của vật chất, thản nhiên buông thả mọi giá trị tinh thần. Sự giằng co giữa tôn giáo và xã hội xem ra khá quyết liệt và tôn giáo đôi lúc phải ngậm ngùi nhìn tuổi trẻ Việt Nam đang lún ngày càng sâu vào vũng lầy của cuộc đời…

Chu Văn




0 nhận xét:

Đăng nhận xét