Người tù có thể bị hạn chế "Quyền công dân", nhưng ở Việt Nam, người tù còn bị hạn chế luôn "Quyền con người".
Đơn cử, người tù, người bị tạm giữ, tạm giam ở Việt Nam không có quyền được gặp mặt bè bạn, người yêu, họ hàng… theo “chế độ gặp thân nhân”.
Hiện nay, những người “được quy định” là “thân nhân của phạm nhân” được thăm gặp phạm nhân gồm: ông, bà nội, ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
Tất cả những người là thân nhân phạm nhân, muốn được đi thăm phạm nhân, phải nằm trong danh sách gọi là “Sổ thăm gặp”. Phạm nhân được quyền từ chối gặp “thân nhân trong sổ”, nhưng không có quyền yêu cầu đích danh những người mà phạm nhân muốn gặp.
Không thấy văn bản nào giải thích vì sao phải hạn chế quyền của phạm nhân trong thăm thân nhân, bè bạn? Ngoài thân nhân như trong danh sách nói trên, cũng không có ai giải thích tại sao phạm nhân lại bị tước quyền thăm gặp những người khác - như bạn bè, đồng sự, hay luật sư…?.
Thăm gặp nhân thân ở đây là quyền mặc nhiên của con người, không phải là một ân huệ của Nhà nước.
Người bị tạm giam, tạm giữ còn bị tước quyền con người thô bạo hơn rất nhiều so với phạm nhân. Trong quá trình điều tra, hầu như mọi thông tin với thế giới bên ngoài của người tạm giữ, tạm giam bị đóng kín.
Và, bên cạnh việc phải giữ “bí mật điều tra”, tránh “thông cung”, thì các thông tin khác như tình trạng gia đình, cha mẹ ốm đau, con cái học hành… mà người bị bắt có biết cũng không ảnh hưởng đến vụ án. Thậm chí, rất có thể do được gặp gỡ người thân và nhận được sự động viên, khuyên nhủ, mà người bị bắt nhanh chóng hối cải, khai ra những thông tin quan trọng giúp cho hoạt động điều tra dễ dàng hơn.
“Chỉ có 24,5% người nhà của người bị tạm giữ, tạm giam cho biết họ được thông báo ngay việc người thân bị tạm giữ, tạm giam và số không được thông báo là 28,6%. Còn lại, gần một nửa nhận được tin báo chậm”.
Đây là thực trạng quyền được thăm thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam do Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật cùng Văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự đưa ra, sau khi khảo sát về vấn đề này tại 12 tỉnh, thành trong cả nước.
Đáng chú ý là nhiều trường hợp gia đình người bị tạm giữ, tạm giam nhận được thông báo, nhưng thông tin thường không đầy đủ, không ghi nơi tạm giam, tạm giữ để họ biết đến thăm người thân đang vướng vòng lao lý.
Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này được chỉ ra, là cơ quan điều tra viện lý do để đảm bảo bí mật điều tra, đặc biệt là quy định “nửa vời” của pháp luật hiện hành. Điều đó dẫn đến, cả gia đình người bị tạm giữ, tạm giam và bản thân họ đều khủng hoảng tinh thần.
Gia đình thì không rõ người thân bị bắt thế nào, còn người bị bắt thì lo sợ vì không được thăm hỏi, chia sẻ. Nhiều gia đình khi biết tin người thân bị bắt đã tốn rất nhiều tiền thuê luật sư chỉ để biết được thông tin người thân của họ bị bắt vì lý do gì, đã được đưa đi đâu.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định: “Người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền… biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra, thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay”.
Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự chưa quy định về quyền được thăm thân nhân. Chỉ duy nhất Điều 89 quy định chế độ tạm giam khác chế độ tù giam, với các quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể: “Chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Nói một cách khác, luật pháp hiện hành chưa quan tâm một cách thỏa đáng đến vấn đề này nhằm bảo đảm nhân quyền cho người bị tạm giam, tạm giữ. Đồng thời, các văn bản dưới luật như Nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành ngày 7/11/1998 về Quy chế tạm giữ, tạm giam được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 89/2002/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2002, Thông tư 08/2011/TT-BCA của Bộ Công an ban hành ngày 12/11/2001 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế tạm giữ, tạm giam, chỉ quy định về việc tiếp tế đồ và nhận gửi thư cho người bị tạm giam, tạm giữ mà không quy định về quyền được liên lạc điện thoại với thân nhân.
Điều này đã dẫn đến nhiều hệ quả xấu trong quá trình thực thi quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam như không bảo đảm các khía cạnh nhân quyền đối với người bị tạm giữ, tạm giam hay sự lạm dụng của cán bộ điều tra để hạn chế và ngăn chặn quyền thăm thân của họ, v.v...
Như vậy, có thể hiểu việc gia đình có được gặp người thân đang bị tạm giữ, tạm giam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, và nếu không được cho gặp thì cũng… không có gì sai!
Ghi nhận thực tế có rất nhiều trường hợp gia đình người bị tạm giam bỗng nhiên thấy người thân “biến mất”, không biết cơ quan nào bắt, hoặc chỉ biết tên cơ quan bắt, mà cũng không biết bị giam ở đâu.
Bản thân khá nhiều luật sư khi được gia đình người bị bắt mời bào chữa cũng phải rất vất vả mới xác minh được người đó bị giam ở đâu để thông tin cho gia đình họ.
Đặc biệt, trong một số vụ án do cơ quan an ninh điều tra thực hiện, mặc dù hành vi của người bị bắt không thuộc nhóm tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, nhưng luật sư cũng “toát mồ hôi” mới tìm ra cơ quan bắt và người bị bắt.
Phạm nhân, người bị tạm giam không bị tước đoạt hết, nhưng bị hạn chế về quyền công dân. Quyền thăm thân nhân của gia đình, người thân của phạm nhân, của người đang bị tạm giam là quyền con người.
Do vậy để đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền được thăm thân nhân của người bị tước tự do do vi phạm pháp luật, cần phải quy định bằng văn bản luật, chứ không nên quy định bằng văn bản dưới luật.
Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015
Người tù ở Việt Nam bị tước đoạt quyền con người
Nguyễn Gia Định
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
dán cường lực ipad cao cap
Trả lờiXóa