Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Giáo dục Việt Nam: góc nhìn "gà chọi"

Khảo sát như thế nào?

Tăng Thị Thùy (nghiên cứu sinh, khoa Giáo dục So sánh và Quốc tế, đại học Chi Nan, Đài Loan)

“Có những tổ chức đưa ra tiêu chí xếp hạng dựa vào số lượng người đi học, số năm bình quân đi học của người dân ở mỗi quốc gia, tỉ lệ sinh viên trên đầu dân… Căn cứ vào những tiêu chí này chắc chắn chúng ta đạt được ở mức cao.

Tuy nhiên, có những điều mà các tổ chức bên ngoài sẽ không “nhìn” ra được. Ví dụ như, sau giai đoạn mở trường đại học ồ ạt, tỉ lệ sinh viên/người dân của Việt Nam tăng cao nhưng chính việc phát triển quy mô ồ ạt này đang làm chất lượng giáo dục đại học trở nên sa sút…”

GS Nguyễn Minh Thuyết (cựu phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), nhận xét.

Ngày 13/5/2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát hành ấn phẩm “Universal Basic Skills: What countries stand to gain” (tạm dịch là: “Những kỹ năng cơ bản: nước nào đạt được điều đó”) được coi như một báo cáo xếp hạng giáo dục phổng thông thông qua kết quả của cuộc khảo sát PISA năm 2012 (Program International Student Assessment) và TIMSS năm 2011 (Trends in International Mathematics and Science Study) của 76 nước trên thế giới tham dự.

Có thể nói qua về hai cuộc khảo này như sau:

Thứ nhất, cuộc khảo sát PISA được tổ chức bởi OECD, đánh giá học sinh (HS) ở độ tuổi 15 trên các môn toán học, khoa học, đọc hiểu, và giải quyết vấn đề.

PISA bắt đầu từ năm 2000, và cứ 3 năm thì lại tổ chức đánh giá một lần. Mỗi lần là chú trọng vào một môn. Năm 2012, PISA chú trọng vào môn Toán và có 65 nước tham dự, trong đó Việt Nam là nước tham dự lần đầu tiên trong năm này. Kết quả PISA của Việt Nam đạt được ở mức khá cao, cả ba môn đều trên trung bình của OECD tương ứng là 17/65; 19/65 và 8/65 cho ba môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học.

Thứ hai, cuộc khảo sát TIMSS được tổ chức bởi Tổ chức Quốc tế Đánh giá thành tích giáo dục (The International Association for the Evaluation of Educational Achievement), nhằm đánh giá HS ở lớp 4 và lớp 8 về hai môn Toán học và Khoa học.

Cuộc khảo sát TIMSS đầu tiên là vào năm 1995, và cứ 4 năm lại tổ chức đánh giá một lần. Lần gần đây nhất là năm 2011 với 52 nước tham dự đánh giá HS lớp 4 và 45 nước tham dự đánh giá HS lớp 8. Hầu hết các nước tham dự chương trình đánh giá này đều tham dự vào chương trình đánh giá PISA. Việt Nam chưa tham dự chương trình đánh giá này.

Dựa trên những sự tương đồng của hai khảo sát này, OECD đã dùng kỹ thuật thống kê để chuyển đổi điểm số của hai cuộc khảo sát này và ra được bảng xếp hạng của 76 nước về môn Toán học và môn Khoa học. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 12.

Tăng Thị Thùy


1 nhận xét: