Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

“Over night” với quý bà Sài Gòn

Có lẽ cần mở ngoặc giải thích liền về chuyện chơi kiểu “overt night”: Sở dĩ quý bà mê ra sân chơi lúc màn đêm buông xuống, đơn giản vì ban ngày họ phải chăm lo điều hành doanh nghiệp của riêng mình. Chuyện vai trò “nội tướng” cơm nước cho chồng con ở lứa tuổi trung niên thường rất nhẹ nhàng do con cái hầu hết trưởng thành, gia đình có người giúp việc. Chơi đêm còn thêm lý do: không sợ… đen da do lúc này nắng đã đi ngủ rồi!

Một nữ doanh nhân tuổi trung niên đã tâm sự với người viết: Thực lòng không phải chị muốn sống như thế, nhưng chồng chị - vốn cũng là một doanh nhân – lại dỡ chứng chơi bời, bồ bịch lăng nhăng mặc dù đã vào tuổi có… cháu ngoại.

Ớt nào mà ớt chẳng cay, nhưng từng tuổi này không lẽ lại… Chị uất hận nghĩ: anh ta chơi được, sao mình lại không? Và chị đã ném tiền vào làm đẹp, mua sắm hàng hiệu. Chị muốn cho chồng chị phải hối hận, phải có ngày quỳ dưới chân chị mà xin chị quay về. Chị thích đi nhảy vào ban đêm, chị muốn chìm trong ánh đèn của quay cuồng âm thanh để cho quên hết nỗi buồn. Đêm đến là lúc chị phô diễn mình. Chị tự tin khi có màn đêm làm bạn, nó như giúp chị che giấu nỗi buồn tuổi tác, nỗi buồn trong tâm can và dẫu chị có khóc trong màn đêm, cũng không ai biết. Chị biết mình sống như vậy là có lỗi với con, với cháu, có lỗi với gia đình, có lỗi với chính mình nhưng chị không làm khác.

Để rồi đến một ngày…

Khi thể thao là lối thoát

Tiếp lời người nữ doanh nhân này, chị Trần Thị Hoa – cũng từng là một đầu mối kinh doanh thương mại hàng gia dụng nhập khẩu có số má khu vực ga xe lửa Hòa Hưng, TP.HCM, cho biết thêm là bè bạn thân của chị Dung (tạm gọi nhân vật “chị” đang kể như vậy) thử rủ rê chị Dung đến sân quần vợt hàng đêm thay cho ánh đèn vũ trường. Lúc đầu là ngồi đó coi mọi người đánh banh, dần dà chị Dung cũng thử cầm vợt của bè bạn ra sân… tập dợt.

Thời thiếu nữ, chị Dung vốn là dân chơi cầu lông có thứ hạng của trường Nguyễn Thượng Hiền nên nay chuyển sang tennis khá nhanh. Những đường bóng mạnh mẽ, những pha lăn xả tấn công rồi phòng thủ giờ đây đã không chỉ khiến chị Dung có thêm sức khỏe dẻo dai, giải tỏa tất cả những căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc, mà còn giúp chị hiểu đức lang quân của mình hơn, nên... “máu ghen” cũng giảm nhiệt hơn.

Số là nhờ bè bạn rủ rê qua chơi hết sân này đến sân khác nên chị Dung hiểu rằng cũng chẳng nên trách cứ chuyện nhiều khi mỡ đã dâng đến miệng mèo thì… Sự thể thế này. Ở sân quần vợt trên đường 3/2 (đoạn gần ngã tư Nguyễn Tri Phương, Thành Thái), do nằm ở khu vực có nhiều quán nhậu nên sân này nhiều quý ông cáp độ séc banh bằng chầu bia bọt. Dạo nọ sân quần vợt xuất hiện một chân dài chơi banh khá lã lướt. Chị Dung và mấy bà bạn thấy vậy bèn rũ rê cô gái trẻ ấy cùng nhập hội. Thế nhưng chỉ tuần lễ sau, cô gái xinh xắn kia không còn đến sân này nữa. Hỏi thăm, thì ra sau nhiều ngày vẫn chưa tiếp cận được để giải trình về nội dung hợp đồng, Linh (tạm gọi tên như vậy, trưởng phòng kinh doanh của một công ty xây dựng) quyết định ra sân tennis để “săn” đối tác theo lời chỉ dẫn của một đàn chị đi trước.

Mới chia phe đánh độ với nhau vài “séc”, cánh đàn ông đã tập trung lại nhậu, người nào cũng hừng hực, cười nói rôm rả, khác xa với gương mặt “trầm trọng” trong giờ làm việc. Lúc gọi chai X.O thứ hai là lúc các quý anh hăng lên, Linh khéo léo xin phép về vì bận việc. Các anh liền hùng hồn nói “em cứ ở lại chơi, việc gì khó anh giải quyết cho, a lô một cái là xong ngay”. Cuối cùng công việc của Linh cũng được giải quyết dễ dàng…

Vừa giữ dáng, vừa mở rộng quan hệ

“Hổng biết ngoài đường có gì vui mà hết giờ làm, ổng chưa chịu về nhà?” Hồi đó nhiều người như chị Dung hay thắc mắc vậy. Từ ngày làm quen với quần vợt, nhiều quý bà mới nhận ra ở Sài Gòn, giờ tan tầm, nếu không đăng ký trước, sẽ khó có “vé” được vào các câu lạc bộ để chơi những môn thịnh hành như tennis, cầu lông, bóng bàn... Và thử một lần vào các câu lạc bộ này mới cảm nhận được niềm hạnh phúc của những quý ông được “sà” vào đam mê sau giờ làm việc. Họ thi đấu hào hứng, họ bàn luận rôm rả, họ sảng khoái khi mồ hôi túa ra mà tay được nâng cốc bia lạnh...

Quý bà thì không hẳn lúc nào cũng chia sẻ niềm vui thắng vài séc banh bên ly bia lạnh. Còn nhiều niềm vui khác thú vị hơn nhiều, ít ra là với két tiền...

Được các quý ông ở CLB Quần vợt quận 10 bình chọn là “Sharapova” (một nữ vận động viên tennis tên tuổi gốc người Nga, nổi tiếng xinh đẹp) của Sài Gòn, quý bà Lê Hải Yến nhìn nhận cách giữ chồng hay nhất là hãy chơi tennis. Lý do: vừa giữ dáng thanh mảnh, tươi trẻ khiến ông xã luôn phải để mắt đến, vừa thắt chặt các quan hệ đối tác, cũng như khả năng sẽ có nhiều cơ hội làm ăn đến từ các doanh nhân đang cầm vợt cùng chơi trong nhóm.

Là doanh nhân ngành bất động sản, “Sharapova” Lê Hải Yến cho hay chỉ cần xách vợt rảo vòng vòng các sân bóng của Sài Gòn, coi như các địa thế đất đai, làng xóm cho đến mức sống ở khu dân cư ấy ra sao sẽ dễ tường tận. Đây chính là yếu tố để có thể đưa ra các quyết định đầu tư ra sao, tại đâu những căn hộ chung cư, hay cao ốc văn phòng. Không chỉ vậy, nhiều quan chức làm công tác văn phòng đang ngày càng có thói quen chọn sân quần vợt làm nơi để rèn luyện thân thể, thay cho những chầu bú khú với bè bạn sau giờ làm việc. Do đó chỉ cần vài séc giao hữu với các quý anh văn phòng này, coi như sẽ gần gũi hơn cho các hỗ trợ dự án sắp tới của doanh nhân.

Chia sẻ chuyện “làm ăn trên sân bóng” của “Sharapova” Lê Hải Yến, chị Trần Thị Hoa cho biết thêm là trong nhóm của mình còn có một quý bà vốn là cựu “quan chức” ngành thuế, quý bà khác lại là phu nhân của một sếp đương nhiệm ở TP.HCM… Do đó khi gặp vướng mắc trong chuyện làm ăn cần phải gõ cửa chính quyền, các quý bà cùng hội chơi tennis dễ có sự tư vấn; thậm chí là sự giúp đỡ đến nơi đến chốn cho một dự án kinh doanh nào đó. Chính điều này tạo thêm sự hấp dẫn kiểu “cùng hội, cùng thuyền” để quý bà tự tin… “overt night” mà không ngại quý anh xã ở nhà nổi máu “Hoạn thư”.

Có lẽ cần mở ngoặc giải thích về chuyện chơi kiểu “overt night”. Sở dĩ quý bà mê ra sân chơi lúc màn đêm buông xuống, vì ban ngày họ phải chăm lo điều hành doanh nghiệp của riêng mình. Chuyện vai trò “nội tướng” cơm nước cho chồng con ở lứa tuổi trung niên thường rất nhẹ nhàng do con cái hầu hết trưởng thành, gia đình có người giúp việc. Chơi đêm còn thêm lý do: không sợ… đen da do lúc này nắng đã đi ngủ rồi!

Chơi sao cho hết đêm dài…

Thế nhưng cái gì dính đến “xuyên đêm” kiểu “overt night” là dễ bị cho là… thiếu trong sáng!. Quý bà Lê Hải Yến, bật mí chuyện cũ rích mà vẫn mới: quần vợt là một môn thể thao tương đối toàn diện, mang lại cho người chơi nhiều ích lợi về thể lực, trí lực và cả sự sảng khoái về tinh thần. Vậy đó, thế nhưng hễ quý bà rủ rê nhau xách vợt ra sân thì thiên hạ lại không ít lời độc miệng…

Câu chuyện sau đây thường hay được nhắc kể của chính người trong cuộc, hiện cùng nhóm chơi quần vợt với chị Trần Thị Hoa. Chị Châu (43 tuổi, đã đổi tên) có chồng là giám đốc hẳn hoi nhưng suốt ngày đi công tác. Tính ra cả tháng vợ chồng ít khi giáp mặt nhau. Những cuộc hội họp, nhậu nhẹt và tiếp đối tác đã chiếm trọn thời gian của chồng. Ngoài việc đưa tiền thì chồng chị ít khi ngó ngàng đến vợ. Có điều kiện chưng diện nên chị Châu ngày càng trẻ đẹp và sung mãn ra nhưng mỗi tội thấy “bí” trong chuyện chăn gối. Khi mà chị còn đang độ hồi xuân thì chồng cứ lạnh nhạt chứ chẳng phải bồ bịch gì.

Bè bạn khuyên chị thử tìm vui bằng những môn thể thao để “tạm quên” những đòi hỏi sinh lý rất đỗi bình thường của tuổi trung niên. Hồi con gái chị Châu có chơi qua môn Aerobic nên vào “hàng bốn”, chị nghĩ khiêu vũ là môn thể thao có vẻ thích hợp với tuổi tác lẫn sức khỏe. Vậy là thông qua bè bạn, chị đến tham gia vào nhóm khiêu vũ lúc màn đêm buông xuống tại Công viên Gia Định. Thực lòng chị Châu chỉ muốn có thêm “màu mè” cho cuộc sống của mình bớt tẻ nhạt trước khi quá già mà thôi.

Được vài tuần thì vài người quen gặp chị cứ “khen” dạo này “hay thấy bà đi nhảy đầm quá hen!”. Tự nhiên thay “khiêu vũ” bằng “nhảy đầm” khiến chị cảm thấy nhột nhạt, mặc dù chuyện các quý bà “tay trong tay” lã lướt theo điệu Valse dặt dìu mỗi khi hoàng hôn buông xuống ở Công viên Gia Định trước bao nhiêu cặp mắt của khán giả - là người dạo công viên, có cả người đi ngang qua đây – thì không thể “thiếu trong sáng” cho được. Tâm sự chuyện “nhảy đầm” thiệt khó nghĩ này với nhóm bạn, một người bèn mách nước: chị hãy làm quen môn tennis để sau đó rủ luôn ông xã thường bận bịu kia ra cùng tham gia, bảo đảm sẽ khỏe người cho cả hai luôn.

Vậy là chỉ dăm tuần lễ sau đó, chị Châu bắt đầu múa forehand (thuận tay), backhand (trái tay), đập smash - 3 cú cơ bản của quần vợt - như nghệ sĩ. Nhờ vào thể thao, những quý bà như chị Châu đã lấy lại được sự quân bình sinh lý của lứa tuổi. Để “dụ” đức lang quân ra sân cùng chơi, thoạt tiên chị Châu… nhờ ông xã sẳn tiện trên đường đi làm về, tạt qua sân bóng đón chị cũng về. Tâm lý của quý ông là “ghen ngầm”, nên khi được vợ bỏ nhỏ, ông xã chị Châu đích thân lái chiếc Mercedes vào sân coi thử có gì thú vị mà bà xã khoái… đi đêm đến vậy. Mưa dầm thấm lâu. Bởi tiếng là nhóm tennis của quý bà, thật ra quý ông gia nhập cũng nhiều; trong đó có cả giới nghệ sĩ, vốn chỉ rảnh rỗi từ giác nửa đêm về sáng…

Gặp mấy quý ông khác sẳn dịp chờ các quý bà chơi banh cũng rủ rê nhau xách vợt ra sân. Mấy bà bèn cáp độ đánh đôi giữa các cặp vợ chồng. Thế là chẳng bao lâu sau, giám đốc dẫu bận bịu như chồng của chị Châu cũng đâm ra ghiền cái môn lên banh xuống bóng này. Tuần lễ nào không ra sân là cứ như vắng mất một người tình chung thủy.

Có người cắc cớ hỏi thăm “sức khỏe” khi đêm về “tay trong tay” với ông xã dạo này thế nào, chị Châu mặt ửng hồng như thời con gái và trả lời hệt như bỏ đường banh trống không: con nhỏ gái út hay ghẹo mẹ Châu là… con không muốn có em để bồng đâu à nghen!.

Đỗ Vinh



(Các quý bà tham gia một giải đánh “xuyên đêm”...)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét