Tháng 5-2015, Sài Gòn vừa tưởng niệm 40 năm…. Nhiều cảm xúc cho
tháng ngày này. Không chỉ ký ức cuộc chiến mà còn là hoài niệm về hình ảnh Sài
Gòn chất chứa những nhân ảnh giờ đã là muôn năm cũ!
Mây vẫn bay, ngày vẫn trôi đi,
ai chẳng có một cái quán để nấp bóng còn đang bồng bềnh ở đâu đó trong tâm tưởng.
Chút hoài cảm mong manh rằng có một ngày nào đó, ngồi bên quán vắng chiều hôm bỗng
dưng bắt gặp lại một vài khuôn mặt quen thuộc qua một dòng nhạc, qua những giọt
cà phê đang lặng lẽ buông rơi… Để hoài cố nhân với còn ai nữa, những người của
dĩ vãng thấp thoáng ẩn hiện trong một ngày nhạt nắng…
Cà phê của giai nhân
Trong dòng hồi ức, Nguyễn Mạnh An Dân kể: Những năm cuối thập
niên 60 Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà phê được trang hoàng công phu hơn, có
hệ thống âm thanh tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp,
phần lớn là dựa theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Cà phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm
Xưa, Hương Xưa, Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng… Tuy nhiên, ở một con đường
nhỏ – hình như là Đào Duy Từ – gần sân vận động Cộng Hoà có một quán cà phê
không theo khuôn mẫu này, nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa Lạ Đa La là Đà Lạt,
quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giả thác Cam
Ly, hồ Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở
ra.
Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi
kinh doanh: Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức
loan báo ở đâu cả; tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn,
lang xa, tạo ấn tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt,
những náo nức đặc biệt.
Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi
hướm của núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, nhưng giỏ gùi sơn nữ, những
cung tên chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn
ghế, những thớt bàn được cưa từ những bi cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ
sơ đã giúp cho Đa La mang sắc thái rất… Đà Lạt.
Ngày khai trương, Đa La đã mời được Linh Mục Viện Trưởng Viện
Đại Học Đà Lạt đến dự và đã chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả với
những bản nhạc “nhức nhối” của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hữu Hà…
Chừng đó là đủ chết người ta rồi, dân Đại Học Xá kéo qua, dưới Sư Phạm,
Khoa Học lên; Y Khoa; Phú Thọ xuống; cả Petrus Ký, Chu Văn An nữa là đủ bộ, quanh
quanh khu Ngã Sáu chấm Đa La và dồn tới. Những ngày đó Đa La đông vui lắm, nó
trở thành một chốn tụ tập hết sức văn nghệ; nó đã chứng kiến sự nở hoa của nhiều
mối tình và cũng chia xẻ sự héo tàn của nhiều mối tình khác...
Minh Tâm
SGB: Có một cafe... hè phố. Mời quý bạn đọc tiếp tục đón xem phân 4 của Có một Sài Gòn... cà phê
Bài 1: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p1.html
Bài 2: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p2.html
Bài 1: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p1.html
Bài 2: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p2.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét