Tháng 5-2015, Sài Gòn vừa tưởng niệm 40 năm…. Nhiều cảm
xúc cho tháng ngày này. Không chỉ ký ức cuộc chiến mà còn là hoài niệm về hình ảnh
Sài Gòn chất chứa những nhân ảnh giờ đã là muôn năm cũ!
Mây vẫn bay, ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có một cái quán để nấp
bóng còn đang bồng bềnh ở đâu đó trong tâm tưởng. Chút hoài cảm mong manh rằng
có một ngày nào đó, ngồi bên quán vắng chiều hôm bỗng dưng bắt gặp lại một vài
khuôn mặt quen thuộc qua một dòng nhạc, qua những giọt cà phê đang lặng lẽ
buông rơi… Để hoài cố nhân với còn ai nữa, những người của dĩ vãng thấp thoáng ẩn
hiện trong một ngày nhạt nắng…
Cà phê của thuở ban đầu
Cựu học trò trường Petrus Ký, Huỳnh Văn Thu, nguyên ký giả
báo Trắng Đen, nhớ lại: Một trong những quán cà phê trang trí có hạng tại Sài
Gòn thời chiến tranh phải kể đến Quán Gió trên đường Võ Tánh. Sau được đổi tên
là Hầm Gió vì quán nằm sâu dưới lòng đất theo phong cách một hầm rượu ở Châu
Âu. Ca sĩ Thanh Lan vẫn thường đến đây giúp vui trong bầu không khí văn nghệ.
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn thuở còn vô danh đã bước vào làng
ca nhạc trên sân khấu của Quán Văn nằm trên bãi đất trống sau lưng Đại học Văn khoa
Sài Gòn. Khách của Quán Văn là sinh viên vốn ít tiền nên cà phê tại đây cũng có
giá “hữu nghị”. Họ đến đây vì tinh thần văn nghệ, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã
có những buổi trình diễn ngoài trời không thù lao và phần thưởng mà “nữ hoàng
chân đất” gặt hái được chính là danh hiệu “một hiện tượng của tân nhạc Việt
Nam” từ cuối thập niên 60.
Đường Richaud Phan Đình Phùng quả thật văn nghệ với quán cà
phê Gió Nam nổi tiếng vì cô hàng cà phê tuyệt sắc. Giai nhân có nước da trắng
xanh liêu trai với mái tóc thề ngây thơ nữ sinh. Nhân vật đã đi vào truyện
Duyên Anh, qua bao chàng trai say đắm, tranh đua nàng, từ trí thức đến du đãng
yên hùng. Phan Đình Phùng còn thêm quán cà phê Luật Khoa với những giai nhân
lai Pháp, càng làm thêm Sài Gòn có một chút Paris...
Nhà báo Lê Tây Sơn thì nhắc đến Hồng: Gần nhà may Thiết Lập,
cách vài căn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó chéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ
rào Trung tâm Thực nghiệm Y khoa (Viện Pasteur). Quán nhỏ xíu hà, với lại cái
tên Hồng không biết do ai đặt, gọi riết thành quen chứ thực sự dường như quán
không có bảng hiệu, và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm chứ không sơn phết
hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả.
Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi ngôi nhà bình thường khác, với
một cái cửa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo
qua kéo lại. Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm,
trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu
nữ đội nón lá (chắc muốn ám chỉ hai chị em chủ quán là cô Hồng, cô Hà!); một
bình hoa tươi; một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết bằng thủy tinh màu tím
than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc dài, đen tuyền, óng ả, vừa
như lãng mạng phô bày vừa như thẹn thùng, che dấu.
Cà phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói
ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi; tuy
nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc
biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại. Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn, đặc
biệt là loại nhạc “mệt mỏi” cỡ “đại bác đêm đêm...” hay “đàn bò vào thành phố...”
đã trở thành một cái “mốt”, một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi
mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người.
Cà phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc
này và những người khách đến quán - những thanh niên xốc xếch một chút, “bụi” một
chút (làm như không bụi thì không là trí thức!) - đã vừa uống cà phê vừa uống
cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly.
Đến Hồng không chỉ có nghe nhạc về quê hương, chiến tranh và
thân phận; ở đây còn có thể đọc về những điều đó. Không hiểu do sáng kiến của
các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt trí thức hay
do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở cà phê Hồng lâu lâu lại có giới
thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà Trình Bày và
Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ. Lại có cả Time,
Newsweek cho những bạn nào khát báo nước ngoài...
Những ngày đầu sau khi thanh bình, Sài Gòn lại rộ lên phong
trào cà phê hè phố. Những quán cốc che tạm tấm bạt bên lề đường với những chiếc
ghế gỗ lùn làm chỗ tụ họp của các thanh niên vui đón những ngày hạnh phúc mới.
Vòng quanh Hồ con Rùa, xuống đến Phạm Ngọc Thạch, quẹo qua Nguyễn Đình Chiểu có
hàng mấy chục “túp lều” cà phê như thế mọc lên san sát bên nhau. Trên đường Trần
Quốc Thảo gần Hội Văn Nghệ TP.HCM, một số anh em văn nghệ cũng mở quán cà phê
cóc bên vệ đường để anh em hội tụ, gặp gỡ sau khi chiến tranh đã kết thúc.
“Chỉ là cà phê hè phố nhưng đông vui, uống một cốc cà phê
siêu, cà phê với nhưng thoải mái ngồi cả ngày cũng chẳng ai rầy rà. Sau khi hết
tiếng súng nổ, hết hỏa châu đầy trời, hết bắt lính, thanh niên, sinh viên Sài
gòn vui vẻ chào đón những ngày cách mạng đông vui ngoài phố. Và các quán cốc
liêu xiêu một câu thơ bên các vỉa hè là chỗ dừng chân để… “tám” đủ thứ chuyện
trên trời dưới đất...”. Nhà báo Huỳnh Anh Thu, nhận xét chen chúc bùi ngùi vì tất
cả các quán nói trên đều chỉ còn trong dĩ vãng cho ký ức hương cà phê Sài Gòn bất
tử!
Minh Tâm
Bài 1: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p1.htmlBài 2: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p2.html
Bài 3: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/co-mot-sai-gon-ca-phe-p3.html
(Ai cũng có những quán cà phê của riêng mình và tất cả riêng tư cà phê ấy làm nên hồn phố Sài Gòn... Tất cả những gì tôi nhắc ở bài viết này là một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét