Bánh bèo là món ăn phổ biến ở khắp đất nước. Nhưng bánh bèo bì thì chỉ có một vài nơi. Địa danh Lái Thiêu của tỉnh Bình Dương là nơi bánh bèo bì được coi như một đặc sản địa phương được nhiều du khách nhớ và tìm đến.
Ở Bình Dương, bánh bèo bì Mỹ Liên là một trong những địa chỉ nằm lòng ký ức của nhiều người. Bà Thái Thị Tuyết, thế hệ thứ tư theo nghề làm bánh bèo tại quán Mỹ Liên, cho biết: “Đây là nghề truyền thống của gia đình tôi. Gần 70 năm qua, nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình. Hiện chủ quán này là dì tôi, bà Nguyễn Thị A (thường gọi dì Út A)”.
Nghề làm bánh bèo của gia đình bà Tuyết xuất phát từ cụ cố Đỗ Thị Kiểng. Ngày trước, cụ thường gánh bánh bèo đi bán dạo khắp nơi. Nhờ bánh ngon nên cụ được nhiều khách hàng biết đến. Sau này, cụ mới mở quán bán bánh bèo tại ngôi nhà bằng gỗ ba gian của mình. Khi cụ mất, con gái là bà Nguyễn Thị Sáu nối nghiệp mẹ và lại truyền nghề cho các con là Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Kim Liên, Nguyễn Thị A...
Bà Tuyết kể: “Dì Út của tôi cầu kỳ trong từng chi tiết. Muốn bánh ngon, bà thường chọn loại gạo dẻo để khi đổ bánh được mềm mại. Riêng phần bì phải chọn da heo lưng về luộc chín, xắt nhỏ. Thịt làm bì phải là nạc lưng mới mềm và ngon. Thịt tươi đem về cắt ra từng khúc, luộc lên, rồi để trên rổ. Khi thịt nguội, đem xắt thịt thành sợi ram lên với tỏi và gia vị cho thơm. Sau đó trộn đều bì, thịt, mỡ với tỉ lệ 2 nạc, 1 da, 1 phần mỡ. Để bì thêm ngon, cần cho thính vào nhưng không được nhiều quá vì như thế sẽ bị xảm, mất ngon”.
Tô điểm thêm cho đĩa bánh bèo là rau sống xắt nhỏ. Đi kèm với rau còn có dưa leo xắt sợi. Quyết định cho vị ngon của đĩa bánh chính là nước mắm. Bà Tuyết giải thích: “Nước mắm phải chua chua, ngòn ngọt gồm hỗn hợp đường cát hòa với nước mắm, giấm đem đun thật kỹ với lửa nhỏ, không cho nổi bọt, vì như thế nước mắm sẽ không trong. Khi ăn thêm vào ít ớt, tỏi và đồ chua”.
Trong trí nhớ của bà Tuyết, quán bánh bèo ngày xưa của gia đình lúc nào cũng đông khách. “Cứ mỗi buổi chiều, khách đông đến nỗi đổ bánh không kịp. Nhiều khách hàng đến đây tự tay lấy bánh xếp ra đĩa, cho nhân đậu xanh và bì vào rồi chan nước mắm ăn.
Ăn xong họ tự trả tiền rồi về. Những nghệ sĩ tài danh như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết... cũng thường ghé đây ăn bánh. Riêng vào chủ nhật, quán thường đón tiếp những ông chủ người Hoa ở quận 5 – TP.HCM lên đây thưởng thức”- bà Tuyết cho biết.
Thương hiệu bánh bèo bì Mỹ Liên đã liên tục đoạt những giải thưởng cao như: Giải A tại Liên hoan Ẩm thực Việt Nam 1999; giải thưởng Ẩm thực Bình Dương qua các năm; kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ngành công thương Việt Nam dành cho bà Nguyễn Thị A...
Bà Thái Thị Tuyết chia sẻ: “Những danh hiệu cao quý ấy đã khích lệ chúng tôi phấn đấu hết lòng vì thương hiệu. Chúng tôi tự nhủ không nên vì cái lợi trước mắt mà làm mất danh tiếng nghề truyền thống của gia đình đã được ông bà nhọc công gầy dựng”.
Cuối năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận “Bánh bèo bì” của tỉnh Bình Dương vào danh sách 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; trong đó có công lao đóng góp của “bánh bèo bì Mỹ Liên”.
Theo nhận xét của Ban tổ chức xét tuyển “Kỷ lục Việt Nam”, làm bánh bèo bì cực nhất là khâu làm bột. Bánh bèo không cần chọn gạo ngon đặc sản mà chỉ dùng loại gạo thông thường. Vấn đề ở chỗ là cách làm kỹ lưỡng. Vì thế, người ta bảo trong bánh bèo bì ở Bình Dương chứa cả tấm lòng.
Trước hết, gạo được vo qua nước nhiều lần cho sạch cám rồi ngâm một đêm trong nước. Hôm sau, gạo được lấy ra “rửa” trong nước sạch nhiều bận cho đến khi hết vị chua rồi đem xay nhuyễn thành bột. Người ta để bột vào bao vải, cột chặt rồi lấy vật nặng dằn lên, thường là dùng cối xay bột bằng đá để dằn. Để qua một đêm, nước trong bột rút đi, để lại những miếng bột trắng tinh. Bột được phơi khô sẵn sàng làm bánh.
Người ta pha chế bột rất kỹ rồi rót vào chén nhỏ, hấp trong nước sôi cho bột chín. Bánh chín trắng mịn màng, mới nhìn vào đã thấy thèm. Nhân là đậu xanh đãi vỏ nấu chín để một ít vào giữa như nhụy hoa xinh xắn. Bánh bèo này ăn với bì từ da heo. Những chiếc “hoa bánh được” để ra dĩa rồi rắc lên một ít bì, chan nước mắm chua ngọt lên trên, thêm ít mỡ hành. Thường thì ăn một dĩa bánh bèo khó mà “đã miệng” mà khách phải ăn cùng lúc mấy dĩa cho đã thèm.
Bánh bèo bì Mỹ Liên nằm gần chợ Búng, khu phố Thạnh Hòa A, thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trong ảnh là bà Thái Thị Tuyết trình bày bữa ăn gồm 5 món truyền thống: bánh bèo, bún bì, bì cuốn, chả giò, nem.
Nguyễn Tân An
Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015
Đến Lái Thiêu thưởng thức bánh bèo bì
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
xe đạp gấp cho nữ
Trả lờiXóa