Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Một phần trăm là con số khổng lồ

Đợt điều chỉnh tỉ giá ngày 7-5 vừa qua, và trước đó vào ngày 7-1, theo tính toán của ông Nguyễn Quốc Anh, Vụ phó Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư; và ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, khi tỉ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ tăng 1% thì gánh nặng nợ công tăng thêm 10.000 tỉ đồng do 80% nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng đô la Mỹ.

Như vậy, trong hai lần điều chỉnh tỉ giá từ đầu năm tới nay, nợ công của Việt Nam đã “tự nhiên” tăng lên 20.000 tỉ đồng, tức gần 1 tỉ đô la Mỹ. Đợt điều chỉnh này rõ ràng đã tác động trực tiếp đến nợ nước ngoài và nợ công.

Theo Đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí Economist sáng ngày 4-5, tổng nợ công của Việt Nam được cập nhật ở mức 89,08 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỉ lệ 46,6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số nợ công trên đầu người đã lên tới 979,77 đô la Mỹ, cao hơn so với con số 896 đô la Mỹ mỗi người Việt Nam phải gánh cách đây 1 năm.

Như vậy, con số nợ này tính theo tiền đồng chắc chắn sẽ cao hơn nếu tính toán thêm từ đợt điều chỉnh tỉ giá này.

Nợ công đang có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ, tăng từ 54,9% GDP năm 2011 lên 64% năm 2015, theo số liệu từ Quốc hội. Đó là chưa tính các khoản nợ thuộc trách nhiệm phải trả của ngân sách nhà nước như nợ quỹ hoàn thuế, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách...

Trong năm nay, bội chi ngân sách nhà nước dự kiến 226.000 tỉ đồng (5,0% GDP) – là mức cao kỷ lục về số tuyệt đối - do tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 911,1 nghìn tỉ đồng, trong khi tổng số chi lên tới 1.147,1 nghìn tỉ đồng.

Những điều này, cộng với yêu cầu của Chính phủ xem xét lấy quỹ dự trữ ngoại hối ra chi tiêu phát triển, cho thấy Ngân sách Nhà nước đang khó khăn hơn lúc nào hết.

Tuy nhiên, không hiểu sao câu chuyện nợ công đã không được đặt trên bàn nghị sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ở lần Hội nghị lần thứ mười một vừa kết thúc hôm 07-05.

Cuộc họp này được thông báo là bàn về “4 đại sự”: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; số lượng đại biểu và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; và… về chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nói thêm, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, có số vốn đầu tư được công bố là 15,8 tỷ USD. Đây là con số chắc chắn… sẽ có điều chỉnh, vì trước đó, vốn đầu tư dự án được tính toán là 18,7 tỷ USD. Sau khi vấp phản ứng của công luận về việc “đầu tư phí phạm”, người ta đã “điều chỉnh” giảm 2 tỷ USD.

Đơn cử, sáng ngày 27-12-2009, tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công Dự án xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Trong bài phát biểu, ông Dũng thông báo tổng vốn cho Dự án này sẽ có thể là 5.000 tỷ đồng, cao hơn con số dự toán.

Tuy nhiên, đến tháng… 07-2014, Dự án này mới “tái khởi động”. Tổng vốn được thông báo là… 9.781,2 tỷ đồng.

Ngày 06-02-2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đang trực tiếp thi công dự án đầu tư xây dựng công trình “Luồng cho tàu biển trọng tải lớn đi vào sông Hậu (luồng sông Hậu)”, tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh tại 3 gói thầu: 6A; 10A và 11.

Tại đây, Bộ trưởng Thăng đã tuyên bố: “Bây giờ thuê đơn vị tư vấn nước ngoài vào kiểm tra một lần nữa, có khi tiết kiệm được cả ngàn tỷ đồng. Dân mình còn nghèo lắm, một ngàn tỷ là có thể giúp nhân dân Trà Vinh nhiều việc lắm…”.

Bộ trưởng Thăng cũng đã thay thế thứ trưởng Nguyễn Văn Công – người phụ trách Dự án này bằng thứ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Tuy nhiên, ở đây còn có vấn đề được nêu ngay từ lúc Dự án chưa khởi công, là tính hiệu quả mang lại sẽ không như những gì mà người ta đã báo cáo lúc “chờ phê duyệt”.

Dự án bauxite là một điển hình tiếp theo.


Minh Châu


0 nhận xét:

Đăng nhận xét