Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Cái cựu "chủ bút" nói gì về "cái khó" của báo chí "tự do theo định hướng xã hội chủ nghĩa"?

Các ông cựu tổng biên tập: Hữu Ước, Kim Quốc Hoa, Lê Phúc Nguyên cùng nói về “cái khó” trong câu chuyện “tự do báo chí” ở Việt Nam.

+ Nhà báo Kim Quốc Hoa (báo Người cao tuổi): Bởi vì tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay hết sức nghiêm trọng, phức tạp nên báo Người cao tuổi của chúng tôi vẫn luôn đặt nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực lên hàng đầu.

Tất nhiên bước vào cuộc chiến chống tham nhũng sẽ có sức ép từ nhiều phía. Khi bị báo chí phát hiện gần như ngay lập tức, tổ chức, cá nhân, đặc biệt người đứng đầu cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có biểu hiện tham nhũng sẽ tìm cách ngăn chặn, cản phá bằng mọi cách: Họ cắp cặp đến tòa soạn giải trình, thanh minh, xin, yêu cầu dừng đưa vụ việc lên báo; rồi dùng tiền để mua chuộc; không mua chuộc được thì đe dọa, khủng bố; rồi tranh thủ lãnh đạo cấp trên hoặc người thân quen có chức, có quyền ở cơ quan khác yêu cầu dừng lại.

Có những trường hợp tòa soạn bị tấn công, lên án “vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự lãnh đạo” thậm chí bị kiện ra tòa… Đối với cá nhân tôi, những “sức ép” như thế là thường gặp và quen thuộc. Trong tình huống đó bắt buộc phải bình tĩnh, tỉnh táo, thận trọng xem xét, lắng nghe thông tin từ nhiều phía và xử lý một cách quyết đoán.

“Sức ép” có nặng mấy cũng phải tôn trọng sự thật, nếu vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì bất cứ đối tượng nào, dù có bị đe dọa, khủng bố cũng không thể khoan nhượng.

+ Nhà báo Lê Phúc Nguyên (báo Quân đội nhân dân): Thời gian gần đây phải thẳng thắn nhìn nhận là những vụ việc chống tiêu cực lớn trên báo Quân đội nhân dân không nhiều.

Nguyên nhân không phải là chúng tôi không dám chấp nhận mạo hiểm, sợ khó khăn, sợ phiền toái mà bởi: những hành vi tham nhũng, tham ô ngày một tinh vi, đã qua cái thời tham ô một cách thô thiển bằng việc lấy tiền ở két mang đi, mà tham ô bây giờ là có hệ thống, có tổ chức có sự tính toán che đậy vô cùng phức tạp.

Bên cạnh đó một số người, một số nhóm người dùng đủ mọi cách, đủ mọi thủ đoạn bưng bít thông tin, rồi sự phối hợp giữa các cơ quan pháp luật với báo chí còn hạn chế, báo chí phải tự bươn trải để tìm kiếm nguồn tin, khi gõ cửa các cơ quan chức năng thì nhận được thái độ thờ ơ, bất hợp tác, chúng tôi là báo Quân đội nhưng cũng luôn luôn nhận được những câu trả lời “vụ việc đang trong quá trình điều tra”, không cung cấp thông tin…

Hiện nay vẫn cứ hô hào phải tôn trọng báo chí, tạo điều kiện cho báo chí, cổ vũ báo chí, nhưng thực chất thì như thế nào? Ngay trong số những người hô hào này cũng còn có người chống tham nhũng thật, có người chống tham nhũng “giả vờ”, miệng hô “chống tham nhũng” nhưng quay lưng đi là lại lẩn tránh, tạo sức ép.

Nhà báo bị hành hung, báo chí chưa được đánh giá đúng, mỗi ngày tòa soạn nhận được biết bao đơn thư, bao nhiêu vụ việc nhưng đưa ra đến đâu người ta “chống” đến đó, thử hỏi một vụ tham nhũng từ khi đưa ra đến khi được làm sáng tỏ là bao nhiêu năm?

Vậy muốn giảm bớt tình trạng trên phải thẳng thắn đặt câu hỏi là: “Bản thân người lãnh đạo đã muốn dùng báo chí chống tham nhũng hay chưa?” Nếu muốn thì phải tạo điều kiện, tôn trọng báo chí như thế nào?

Đừng hô hào chung chung, phải bảo vệ người làm báo bằng luật pháp bằng quy định, văn bản rõ ràng; phải chấn chỉnh ngay trong các cơ quan, để các cơ quan phải có nhận thức lấy tờ báo làm công cụ chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, các cơ quan luật pháp đừng khó dễ, đừng phó mặc cho báo chí vào cuộc một mình. Sở dĩ một người bị “bắt nạt” là bởi họ đơn độc.

+ Nhà báo Hữu Ước (báo Công an nhân dân): Tôi nghĩ, sở dĩ còn có những chuyện o ép, bịt miệng cơ quan báo chí là bởi vì người ta chưa đánh giá đúng sức mạnh của báo chí, thậm chí chính những người làm báo cũng chưa ý thức hết được sức mạnh của mình, của nghề.

Tôi từng ngồi tù ba năm vì chỉ đạo viết về một đề tài chống tiêu cực, lại không dưới năm bảy lần bị lột lon, tước quân hàm, cách chức TBT vì làm những vụ động chạm.

Nhưng tôi có thể khẳng định tôi vẫn sẽ chống tiêu cực cho dù việc đó có phải động chạm đến cả cấp cao nhất, đấy là một lời cam kết tôi và những tờ báo tôi lãnh đạo sẽ không bao giờ bỏ cuộc.


Nguyễn Gia Định



0 nhận xét:

Đăng nhận xét