Hiện nay, dù các siêu thị lớn nhỏ tràn ngập, đồ ăn thức uống ê hề, trưng bày bắt mắt, máy lạnh mát rượi và khuyến mãi liên tục, nhưng đa số người ta vẫn thích được đi chợ hơn.
Đi chợ để được mặc cả, được nói qua lại vài câu với người quen, dạng như: “trời nóng nực quá đi, chị hả?”, “lúc này làm ăn sao rồi?”, “ngày bồ đi hết bao nhiêu tiền chợ?”,….
Gặp khi bận rộn chuyện gì đó, chẳng hạn phải trông chừng đứa cháu ngoại, hoặc hôm đó chỉ cần mua ít thôi, hoặc đang đau cái chân quá, làm sao xuống chợ được? Vậy là đã có mấy chị, mấy cô bán rong trên xe đẩy, len lõi từng ngõ hẻm, vô đến từng nhà.
Cũng bày đủ thứ rau, hành, chanh, tỏi, cá, mắm, thịt gà, thịt heo,… Cũng tươi ngon và giá cũng như ở chợ thôi, không hề đắt hơn tẹo nào.
Kể ra thì cũng phải có cái duyên để bán hàng dạng này. Có chị bán ở xóm riết rồi quen luôn tính nết của từng người, sở thích ăn của từng nhà. “Dì Bảy ơi, con có miếng sườn non ngon quá nè dì”, “em có rau má rẫy nè chị Hai”, “ngoại ơi, bữa ngoại dặn gan bột đó, nay con có nè”…
Có khi đẩy xe đi bán vậy mà trở thành bạn tâm giao với người mua hồi nào không hay. Chuyện con nít đi học, tiền trường nặng quá. Chuyện anh chồng hôm qua đi nhậu đến sáng. Nhà kia mới sắm xe tay ga, nhà nọ mới bị lốc thổi bay mái tôn. Chuyện gì người ta cũng dễ dàng chia sẻ với nhau.
Quen quá thành ra có khi cho thêm cọng hành, trái ớt hoặc biết là bó rau mắc hơn chút đỉnh, vẫn chặc lưỡi, thôi thì xí xóa qua lại. Cũng có chuyện mua thiếu, mua chịu nữa chứ. “Ổng chưa lãnh lương nữa, cho tui thiếu vài bữa nghen!”. Vài bữa là có khi đến nửa tháng. Cũng cười xòa với nhau thôi.
Mà không phải chuyện thiếu, chịu chỉ một chiều về phía người mua đâu, có khi chính người bán thiếu ngược lại nữa kìa. Đó là khi họ vay tiền góp, chơi hụi nho nhỏ trong xóm. Người ta mua thiếu nhiều quá, chưa thu về được nên lại phải thiếu tiền góp, tiền hụi, thậm chí tiền đề đóm. Có khi đến phải bỏ luôn ngõ hẻm đó một thời gian. Sau quay lại, rồi cũng một tiếng cười, bỏ qua thôi. Cùng cảnh nghèo như nhau mà.
Đó phải chăng là tình, là nghĩa đối đãi với nhau trong thời buổi kim tiền?
Hãy lắng nghe họ nói với nhau “sao hôm qua vô trễ quá vậy bà!”, “phải cạo gió dùm chị xóm trên, ở nhà một mình, rủi trúng gió gần đớ lưỡi luôn đó chị”, “ờ, làm tui phải ăn trứng gà chiên đó nhe”.
Hoặc có chị kia, chồng làm thợ sơn nước, chẳng may đi công trình bị điện giật qua đời. Thế là thấy chị vắng hẳn cả nửa tháng, không ai biết chuyện gì xảy ra. Đến khi chị đi bán trở lại, thấy để tang và đôi mắt như không còn thần thái.
Hỏi ra và cả xóm đã tự nguyện góp tiền lại, kẻ ít người nhiều, gọi là cầu cho anh được siêu thoát. Cầm nắm tiền trên tay, chị ngồi sụp xuống nhưng không còn nước mắt để khóc, đành nghẹn ngào nói “đưa ảnh về quê chôn cất xong, con quay trở lên liền, còn bao nhiêu chuyện phải lo, tiền thuê trọ, tiền nợ lúc ảnh nằm bệnh viện. Con đi mà không dám quay nhìn đứa nhỏ bà ngoại bồng trên tay, mấy dì ơi!”.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giàu sang trong khu biệt thự hay nghèo nàn trong ngõ nhỏ lao động này, cái tình người đối với nhau mới thật đáng trân trọng và xúc động biết bao.
Mua sắm trong siêu thị cũng có cái thú riêng, nhưng chưa chắc tìm được những khoảnh khắc đặc biệt hay sự cảm thông như chuyện mua bán ở xóm tôi. Và có lẽ vì vậy mà mấy cô, mấy chị bán hàng xe đẩy luôn luôn còn sống được giữa đất đô thị thời internet này.
Nguyễn Bình Hòa
Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015
Tình nghĩa hàng rong
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét