Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Giam lỏng sau khi ghi nhận ý kiến người dân

Ngày hôm nay, Chủ nhật 03-05-2015, tất cả những tờ báo ở Việt Nam đều không đưa tin về “Ngày Tự do báo chí”.

Vài năm trở lại đây, nhiều nhật báo ở Việt Nam tìm lối thoát trong “tự do báo chí”, qua việc phát triển báo điện tử. Có nhiều tin tức, hình ảnh đã không đăng tải trên báo giấy, mà chọn đăng trên “báo mạng”, để khi bị tuyên giáo tuýt còi, thì tháo bản tin ấy xuống... Qua “kênh phát hành” như facebook, các tin - ảnh ấy tiếp tục lan truyền.

Nhân Ngày Tự do báo chí, xin kể lại một số câu chuyện “hậu trường”.

Trung tuần tháng 11-2014, nhận được thông tin tổ đại biểu 16 của HĐND TP.HCM về tiếp xúc cử tri cụm 4 phường Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) tại hội trường UBND phường Bình Trị Đông, phóng viên Nguyễn Đình Thắng của báo Nông Thôn Ngày Nay đã đến tác nghiệp.

Tuy nhiên, khi vừa kết thúc hội nghị, phóng viên này đã bị lực lượng an ninh Q. Bình Tân và công an phường Bình Trị Đông tiếp cận, mời về trụ sở Công an phường làm việc.

Do không rõ mình vi phạm, phóng viên Đình Thắng đã yêu cầu phía công an lập biên bản nêu rõ lý do mời về làm việc. Tuy nhiên, phía công an không chịu lập biên bản, mà kiên quyết: “về trụ sở công an phường rồi anh sẽ biết anh vi phạm gì”.

Do phía công an không đưa ra được lý do chính đáng để triệu tập sang trụ sở công an phường, nên anh Thắng kiên quyết không “về trụ sở công an phường”.

Anh đã bị phía công an tạm giữ giấy tờ tùy thân cùng giấy giới thiệu phóng viên để “điều tra”. Anh Thắng cũng bị “giam lỏng” tại trụ sở UBND phường Bình Trị Đông từ 11 giờ trưa 14/11 đến gần 15 giờ cùng ngày.

Lấy lý do không xin phép chính quyền địa phương phường Bình Trị Đông (dù rằng buổi hội nghị HĐND tổ chức nói trên là công khai và chỉ mượn hội trường UBND phường Bình Trị Đông làm địa điểm tổ chức), nên phía công an liên tục yêu cầu anh Thắng phải xóa những tấm ảnh và file ghi âm đã thu thập được tại buổi hội nghị.

Dù đã nghe phóng viên Đình Thắng trình bày lý do, mục đích đến tham dự buổi hội nghị và trình đủ giấy tờ, tuy nhiên người làm việc trực tiếp với anh Thắng là hạ sĩ quan Võ Tiến Vinh, điều tra viên Công an Q. Bình Tân vẫn liên tục yêu cầu phải cung cấp thêm thẻ phóng viên (đã bị Bộ TT-TT cấm phát hành), thẻ cộng tác viên… để xác minh thêm.

Điều đáng nói là khi đang làm việc với những vấn đề liên quan đến luật pháp, thì vị hạ sĩ quan này lại luôn miệng nói rằng “tôi không biết, tôi không quan tâm luật báo chí của các anh là như thế nào…”.

Đến gần 15 giờ ngày 14/11, sau khi không thể đưa ra lý do để tạm giữ hành chính và xử phạt vi phạm, hạ sĩ quan Võ Tiến Vinh đã mời phóng viên Đình Thắng ra về với lý do “đã làm việc xong”.

Cử tri Trần Thị Mẫn (P. Bình Trị Đông), người tham dự hội nghị cho biết: “Tôi thấy từ đầu đến cuối anh phóng viên này không làm gì sai cả, vậy mà đến cuối hội nghị họ lại giữ không cho về. Dân bức xúc thì phải để báo chí phản ánh, chứ làm vậy có khác gì bịt miệng báo chí đâu”.

“Khi thấy công an đến gần anh phóng viên đó, tôi và một số cử tri khác cũng kéo đến gần để nghe ngóng, và xin cho ảnh, nhưng họ không đồng ý và đuổi chúng tôi về”, bà Mẫn nói tiếp.

Theo phóng viên Đình Thắng, tại buổi hội nghị tiếp xúc cử tri nói trên, đoàn đại biểu HĐND đã tiếp nhận 17 ý kiến phản ánh của cử tri về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực: an ninh trật tự; quy hoạch quản lý đô thị; kiện tụng tranh chấp đất đai…

Trong đó, có nhiều cử tri đã phải bật khóc ngay trong lúc phát biểu vì được phản ánh lên cơ quan dân biểu những bức xúc chất chứa lâu nay.

Vụ việc này, sau đó đã... rơi vào im lặng. Phóng viên cũng chẳng lấy làm bực bội, vì chuyện này vẫn thường gặp khi tác nghiệp.


Nguyễn Tuấn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét