Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Miệng nhà quan


Từ ngày xưa, người Việt Nam luôn sống với nhau bằng chữ tình: “Hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”; “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Lá lành đùm lá rách”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…. Tuy nhiên, ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm vốn quý noi theo, dường như, chữ tình ấy đã bị mai một dần trong một số con người có chức vụ, quyền hành. Hình như, xu thế “ra lệnh”, “bề trên” đã lấn át hết tất cả…

Xã hội còn nhiều lắm những người tốt. Khi thấy “đồng bào”, những người cùng chung dòng máu con Hồng cháu Lạc gặp hoạn nạn, khó khăn, thương tật…, không cần nghĩ nhiều, người Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ.

Tôi nhớ, có một lần, đi ngoài đường, nhìn thấy một bà cụ bán vé số thật tội nghiệp. Băng qua đường, tính mua cho bà vài tờ thì thấy có một cặp anh – chị kia dừng lại, giúp đỡ cho bà đồ ăn. Hỏi ra mới biết, đó là phần cơm tối của họ. Họ cảm thấy bà cụ đó thật đáng thương nên giúp đỡ. Thế thôi…

Người với người đối xử với nhau bằng chữ tình. Tuy nhiên, một bộ phận có chút quyền hành trong tay thì lại… coi thường người khác. Từ những anh sẵn sàng đi “hốt” (mặc cho người dân van xin, thậm chí là quỳ lụy, níu kéo; mặt các anh vẫn… lạnh như tiền, không có một chút cảm xúc); cho đến “bức hình tự sướng” trước nỗi đau của người khác của một thành viên trong Chữ Thập Đỏ (Red Cross)…

Tôi chợt thấy lạ, cũng là con người với nhau, sao lại nỡ vô tình như thế? Hình như, cái thói quen “vô tình” ấy đi chung với cách nói chuyện, trình bày theo kiểu “kẻ thượng phong”. Có lẽ, vì nghĩ người dân “thấp cổ bé họng”, không muốn sinh sự nên tha hồ bắt nạt hay chăng? (như trường hợp của mấy anh đi “hốt” với người dân buôn bán; mấy anh giao thông với sinh viên; thậm chí là của ban chỉ huy nghĩa vụ quân sự với học sinh, sinh viên…).

Trường hợp của cô gái tự sướng cũng tương tự thế. Đó không còn là lời nói mà là giấy trắng mực đen. Trong đơn yêu cầu luật sư, chủ bức thư đã dùng những từ ngữ, ngữ điệu (có lẽ do thói quen) có phần hơi hướm tạo cho người khác cảm giác khó chịu, bị sai bảo (yêu cầu, đề nghị cử luật sư, đề nghị quý cơ quan giúp đỡ…). Đề nghị thường là nêu lên một yêu cầu, đòi hỏi phải làm theo (theo như nội dung trong thư thì không thể có chuyện đưa ra ý kiến để thảo luận). Với vai trò là một chủ tịch, việc dùng từ ngữ trong đơn như vậy, phải chăng, có phần hơi trịch thượng? Với các luật sư mà còn nói chuyện mang phong cách đó thì không biết với những người dân sẽ còn như thế nào?

Xu thế hiện nay, có không ít giới trẻ dửng dưng trước những tình huống “trái tai gai mắt”, thậm chí là còn bênh vực cho những trường hợp ấy. Cứ cho là hành động đó đúng, tức là những điều sai không được sửa chữa, lẽ hiển nhiên vẫn tồn tại. Và biết đâu, một ngày nào đó, chính những người thân của các bạn trẻ đang lên tiếng bênh vực cho những hành vi sai trái đó gặp phải thì như thế nào? Nếu có sai không được sửa thì không chỉ hôm nay mà còn tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí còn nặng hơn hiện tại…
Xin cho tôi một vé quay về tuổi thơ, để nhớ lại lời ông bà đã dạy: “Gieo gì gặt nấy” để mãi mãi nguyện chỉ gieo điều lành, lên tiếng trước những cái sai trái…. Bởi sự thật luôn luôn là vĩnh cửu, cho dù cố gắng che lấp hay bưng bít cỡ nào đi chăng nữa…

Minh Trí

1 nhận xét: